Monthly Archives: Tháng Bảy 2010

Tăng viện phí và “tụt nhân tâm”

Kỳ Duyên

Điều đó, cũng có nghĩa đòi hỏi ngành y tế, có sự tính toán phù hợp, bước đi khôn ngoan, vừa khai thác được nguồn tài lực trong dân, vừa thể hiện được tính “từ mẫu” trong một chính sách cụ thể với con người, nhất là là khi người ta đã mắc bệnh nặng phải nằm viện.

“Nhà thương” ơi – đã xa rồi còn đâu?

Thời tiết những ngày này, nhiệt độ nóng chưa giảm được bao nhiêu, thì xã hội lại bức bối vì thông tin Dự thảo tăng viện phí của Bộ Y tế mới ban hành. Theo dự thảo này, hơn 400 dịch vụ y tế – xin nhắc lại là hơn 400 dịch vụ y tế – sẽ được điều chỉnh tăng giá. Mức tăng trung bình tới khoảng 7-10 lần, cao nhất có thể lên tới hơn 20 lần với một dịch vụ cá biệt.
Khỏi phải nói, các báo xôn xao. Nhưng xôn xao nhất, có lẽ là người nhà bệnh nhân đang phải “theo hầu” người bệnh trong các bệnh viện, những gia đình nông dân, miền núi nghèo khổ có cha già mẹ héo…
Không hiểu sao, tôi bỗng nhớ tới cái danh từ ngày xưa Bác Hồ từng đặt cho các bệnh viện – “nhà thương”. Nhà thương – nghĩa của nó là nhà của tình thương; cũng có nghĩa, là những người bị bệnh, có bệnh, vào đó chữa trị, rất cần đến tình thương của thầy thuốc- các bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng viên. Câu khẩu hiệu răn dạy người thầy thuốc cũng xuất phát từ cái nhà mang nghĩa “nhà thương” này: “Lương y như từ mẫu” (Thấy thuốc như mẹ hiền).
Nhưng rồi có lẽ trong thực tế, cái danh từ “nhà thương” không còn phù hợp, nên tự lúc nào, người ta đổi tên “nhà thương” thành bệnh viện. Chỉ câu khẩu hiệu còn ở lại. Nhưng câu khẩu hiệu ấy, từ trên băng rôn, trên các tâm biển kiểu quảng cáo, bước ra bệnh viện để đến với những người bệnh xanh xao, đang nằm mệt nhọc trên các giường bệnh được bao nhiêu, lại là câu chuyện khác.
Tôi thành thật xin lỗi các thầy thuốc tốt, chân chính, hết lòng vì người bệnh vẫn không thiếu trong các bệnh viện, trạm xá hiện nay… nhưng không thể phủ nhận một điều, hình như từ rất lâu rồi, những tiếng kêu ca, lo lắng của người dân mỗi khi gia đình có người thân phải vào bệnh viện ngày càng dày thêm.
Và cũng ngày càng ít đi trong các bệnh viện hai chữ “từ mẫu”. Thay vào đó là hai chữ mà người dân nào cũng phải ghi nhớ sâu sắc đầu tiên – “tiền đâu?”. Hay chữ “từ mẫu” chỉ tỉ lệ thuận với độ dày của phong bì, thì mũi kim tiêm của cô y tá, cho đến thái độ thăm khám, chẩn đoán bệnh của bác sĩ cũng mới êm ái, ân cần hơn?
Từ cổng bệnh viện vào đến giường bệnh, người bệnh đã phải trả không biết bao nhiêu “viện phí”, và “tiêu cực phí”? Không biết nữa. Nhưng chắc chắn, “tiêu cực phí” đã trở thành một đời sống khác, một dòng chảy khác, lưu thông không kém “viện phí”, ngay trong bệnh viện kín cổng cao tường vốn để đề phòng trộm cắp…
Cách đây 6 năm, chính người viết bài này đã trực tiếp nghe một vị phó chủ nhiệm khoa của một bệnh viện lớn, nói rất thản nhiên, khi đưa con mình cấp cứu vì bị gẫy xương vào buổi tối: “Phong bì nhớ để dưới này nhé!”. Và như sợ tôi không biết, ông giở cuốn sổ trực ban, ra hiệu để ở dưới, vì lúc đó, ông rất bận, chạy đi đâu đó… Đương nhiên, tôi phải làm đúng như lời dặn. Và quả thật, trong lòng tôi còn “yên tâm hơn”, đỡ lo hơn. Đó là điều cay đắng, nhưng không thể khác.
Cái chất “nhà thương” cũng đang xa dần đời sống nhân sinh của chúng ta. “Nhà thương” ơi, đã xa rồi còn đâu….

Tăng viện phí và “tụt nhân tâm”

Không ai phủ nhận khi Dự thảo đưa ra, nhiều ý kiến của ngành y tế viện lẽ, mức giá cũ được quy định từ năm 1995 tới nay đã quá chênh lệch so với thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên cũng phải thấy một thực tế này, từ lâu, mức phí theo quy định cũ – 1995 đã không một bệnh viện nào còn thực hiện.
Bởi hầu hết, “Các bệnh viện đều thu mức phí khám bệnh “vào cửa” khoảng 30.000 – 50.000 đồng. Đáng nói, mức phí này chưa bao gồm chi phí phải trả các dịch vụ ở từng khâu như xét nghiệm, chụp, chiếu… vốn đã gần như ngang bằng với hoặc thậm chí cao hơn mức đề xuất mà Bộ Y tế đưa ra”.(TVN- 25-7-2010).
Chưa kể trong cái thời buổi kim tiền này, người ta có rất nhiều cách kiếm tiền tinh vi, mà hợp pháp. Kiểu như khi kê đơn mua thuốc, thầy thuốc rất nhẹ nhàng “mách nước” người bệnh: “Anh/chị ra nhà thuốc này, nhà thuốc kia…mới có”. Giọng thầy thuốc làm việc “liên doanh, tiếp thị” thì nhẹ nhàng, còn người bệnh chỉ biết tin vào ai có chuyên môn, nhưng có ai biết, người bệnh khi rút tiền mua thuốc, lòng nặng trĩu, vì bệnh đã đành, mà cũng vì cả giá thuốc ngất ngưởng trôi nổi…
Nếu quan sát trong bệnh viện, chúng ta có thể thấy một điều hiển nhiên này: Đa số bệnh nhân là người ở nông thôn, miền núi nghèo khổ. Vì sao?
Vì nước ta là một nước nông nghiệp, với 70-80% số dân sống bằng nghề nông. Giá trị lao động nghề nông của bất cứ quốc gia nào cũng thường thấp hơn giá trị lao động công nghiệp. Nhưng với VN, giá trị lao động nghề nông còn thấp nữa, bởi phương tiện kỹ thuật, và lao động sản xuất thủ công là phổ biến, nên thu nhập của gia đình nông dân ở nông thôn, miền núi rất thấp
Đã thế, ở các vùng khó khăn, cuộc sống người nông dân khốn khó, ăn uống kham khổ, lại thiếu hiểu biết về vệ sinh, môi trường. Nên người dân nông thôn, miền núi cũng dễ mắc bệnh hơn dân thành phố có dân trí cao hơn, lại khá hơn về kinh tế, nhận thức. Cái vòng luẩn quẩn đói nghèo- thiếu hiểu biết- bệnh tật luôn gắn với đời sống người nghèo ở nông thôn, miền núi là vậy.
Và vì dân tộc Việt Nam ta, theo tính toán của một tổ chức quốc tế, thuộc diện dân tộc “già mà chưa kịp giàu”. Số người già khá cao. Già đương nhiên thường gắn với bệnh tật, theo quy luật sinh học: Sinh- lão- bệnh- tử.
Trong khi đó, nếu đọc kỹ dự thảo mới ban hành, có thể thấy trong số những phí dịch vụ y tế tăng, có hai loại phí tăng rất cao. Đó là tiền khám bệnh, tiền giường nội trú. Hai loại dịch vụ này người dân sử dụng nhiều nhất, thì cũng có mức tăng cao nhất (từ 500- 3000 đ/lần khám, nay tăng lên tới 30.000 đồng. Phí giường bệnh từ 4000-18.000 đ/ người /ngày, nay tăng lên 100.000- 150.000 đồng).
Đó là một cách tính toán khôn nhưng không ngoan. Bởi giá cả tính theo giường bệnh/ người, nhưng thực tế bệnh viện nào, giường bệnh nào cũng 2-3 người.
Đã đành, với diện chính sách xã hội (14,5 triệu người), nhà nước có chế độ hỗ trợ, thế nhưng số đông người dân thuộc diện “cận nghèo” thì sao? Nhất là nếu họ lại không có cả bảo hiểm y tế, và thu nhập lại thấp, họ sẽ trông vào đâu nếu chẳng may mắc bệnh?
Với việc tăng viện phí một cách đột ngột như dự thảo đưa ra, thì chuyện dư luận xã hội lo lắng, bất bình khi cho rằng – dự thảo dồn người nghèo vào thế bí, cũng không ngoa!
Vì xưa nay, giáo dục và y tế luôn là dịch vụ công, luôn được các quốc gia chăm lo. Điều đó, thể hiện khái niệm tính “ưu việt xã hội chủ nghĩa”, nhất là khi chúng ta nhìn ra một số nước như Cu Ba, Triều Tiên, kinh tế tăng trưởng chưa cao, nhưng phúc lợi xã hội cho con người rất được ưu đãi.
Do hoàn cảnh còn bất cập với sự phát triển, ở ta, người dân sẵn sàng chia sẻ khó khăn với nhà nước. Nhưng điều đó, cũng có nghĩa đòi hỏi, ở đây là ngành y tế, có sự tính toán phù hợp, bước đi khôn ngoan, vừa khai thác được nguồn tài lực trong dân, vừa thể hiện được tính “từ mẫu’ trong một chính sách cụ thể với con người, nhất là là khi người ta đã mắc bệnh nặng phải nằm viện.
Không hiểu sao, ngành y tế, là ngành đòi hỏi có “nhà thương”, thì lại hay làm tổn thương con người, bằng những quyết sách khó tin. Chuyện dự thảo “ngực lép không được đi xe máy” là một ví dụ, vừa hài hước, vừa châm biếm. Và nay, là dự thảo tăng viện phí.
Cũng như mọi ngành, ngành y tế đang triển khai học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ. Nhưng với dự thảo vội vã, và gây sốc cho cả xã hội này, hình như ngành đang đi ngược lại tấm lòng, và những điều tâm niệm, đầy tính nhân văn của Bác với con người.
Tăng viện phí, nhưng đừng vì thế, để “tụt nhân tâm”.

_______________________________________________________

Đừng xóa sổ chùa của tổ tiên

– GS.TS Trần Lâm Biền là nhà nghiên cứu văn hoá truyền thống. Ông đã dành cho KH&ĐS một cuộc trò chuyện đầy thú vị xung quanh câu chuyện xây mới những ngôi chùa.

Nhập vào chùa nhiều thứ không phải Phật

Theo ông, đạo Phật và những ngôi chùa có vị trí như thế nào trong đời sống người Việt?

Đối với người Việt, đạo Phật rất được tôn trọng. Trong tôn giáo tín ngưỡng người Việt, chính đạo Mẫu bắt nguồn từ thời nguyên thuỷ. Chỉ cách đây 2.000 năm đạo Phật mới tới từ phương Nam và nhanh chóng được tiếp nhận vì nó phù hợp với tinh thần của người Việt lúc đó. Sự xâm lược, quấy nhiễu của phương Bắc đã đi kèm theo việc người phương Bắc đưa đạo Nho, đạo Lão vào để dùng hệ tư tưởng ấy thống trị người Việt. Người Việt đã dùng đạo Phật như một sự đối trọng.

Đó là quá khứ. Còn hiện tại thì sao?

Gần đây, một số kẻ đã lợi dụng và biến đổi đạo Phật đi nhiều. Do vậy mà ứng xử với đạo Phật của một bộ phận người không đi vào bản chất tốt đẹp sâu xa của đạo. Bộ phận này vì không hiểu đến nơi đến chốn đạo Phật đã nhập vào chùa nhiều thứ không phải Phật. Nhiều khi những thứ đó còn gắn với mê tín dị đoan. Người ta đang sống phần nào vội vã, tuỳ tiện xây dựng lại nhiều ngôi chùa không theo truyền thống. Đạo Phật dạy con người đi tìm sự đơn sơ nhưng thuộc về bản chất tốt đẹp nhất.

Bái Đính – Sự khoe mẽ một cách thái quá

Nghe ông nói tôi mới nhớ, gần đây chùa Bái Đính nằm trong một quần thể du lịch ở Ninh Bình dù chưa hoàn thành nhưng đã giữ nhiều kỉ lục lớn nhất Đông Nam á: tượng Phật bằng đồng; chuông, 500 bức tượng La Hán…

Không nên gọi cái chùa mới xây đó là chùa Bái Đính. Chùa Bái Đính là ngôi chùa cũ. Nếu gọi cái mới xây đó là chùa Bái Đính là hoàn toàn xoá sổ chùa của tổ tiên đấy.

Ngôi chùa mới đó có một thứ lố bịch. Trong kiến trúc ba tầng mái, như chúng ta thấy kiến trúc ba tầng mái của chùa Bút Pháp có tháp Cửu phẩm liên hoa – là nơi thế giới của người chết. Nhưng chùa Bái Đính mới ấy lại có cái gọi là tam quan – ba tầng mái ở ngoài, khiến người ta đến với cái chết trước khi đến với Phật. Điều đó không chấp nhận được. Toà nhà ba tầng mái có nhiều ý nghĩa lắm, thường nó phải nằm ở phía sau như ở chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Sổ (Thanh Oai). Cái chùa Bái Đính mới ấy là phi văn hóa phật giáo truyền thống và mặt nào đó nó có tính khoe mẽ.

Phi văn hóa phật giáo truyền thống và có tính khoe mẽ! Ông có thể mở mang kiến thức cho tôi về điều này không?

Những ngôi chùa được xây to lớn nhiều khi nó có tính áp chế khiến con người khi bước vào ngôi chùa tâm hồn của mình bị “ngợp” bởi sự hoành tráng, hình thức làm người ta nhẹ cái tâm đi. Đứng trước ngôi chùa quá to lớn như Bái Đính mới thì con người cảm thấy tâm hồn của mình bị teo đi, bé nhỏ trước áp lực tinh thần nào đó.
Người ta không thấy được bản chất hoà vào thiên nhiên, hoà vào vũ trụ, hoà với thế gian của bản thân họ nữa mà chỉ còn tính quy phục mà thôi. Tính chất ấy không đúng với tinh thần của người Việt. Xu hướng xây dựng những ngôi chùa to lớn là khó có thể chấp nhận được trên dòng chảy truyền thống.

Chùa Bái Đính mới dù chưa hoàn thành nhưng khách tham quan đã đến rất đông trong một hai năm gần đây. Phải chăng vì ngôi chùa đó phù hợp với “văn hóa hiện đại”?

Khách tham quan thì cứ tham quan. Chúng ta không thể trách họ được. Chiến tranh đi qua đã tạo ra sự hụt hẫng về mặt tinh thần. Do vậy có nơi nào đó để giải toả tâm hồn là người ta sẽ đến. Người ta đến Bái Đính mới là “để xem”, “để ngợi ca” sự to lớn về cái gì đó rất đời thường chứ không phải thờ đạo. Khi nào sự hiểu biết về đạo trong du khách được nâng cao thì vai trò của chùa Bái Đính mới sẽ tàn phai.
Người Việt Nam không chấp nhận sự to lớn, sự khoe mẽ một cách thái quá đâu! Người Việt đi sâu vào cái tâm. Sự vĩ đại của nó là ở cái tâm thánh thiện chứ không phải hình thức. Có thể hiện tại cái hình thức đang làm mờ cái tâm nhưng khi cái trí của mỗi người phát triển cao hơn thì họ sẽ nhận ra đó là sai lầm.

Khi biết thì sự đã rồi

Nhưng hiện nay không phải chỉ ở Ninh Bình xây chùa mới Bái Đính mà đã có rất nhiều nơi, nhiều địa phương tổ chức xây chùa mới?

GS Trần Lâm Biền là một trong những nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam, luôn tâm sức cho công cuộc bảo tồn các di sản văn hoá của dân tộc. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về văn hoá dân gian, tín ngưỡng tôn giáo như: Phật giáo và văn hoá dân tộc; Một con đường tiếp cận lịch sử, Diễn biến kiến trúc truyền thống của người Việt; Chùa Việt; Đồ thờ trong di tích của người Việt.

Không ai cấm xây dựng những ngôi chùa mới nhưng đừng đem những ngôi chùa lớn vào đất của chùa cũ. Bởi chùa cũ là tiếng nói của tổ tiên. Đi vào tín ngưỡng chúng ta phải đi theo truyền thống, phải Việt Nam. Đừng để những ngôi chùa kiến trúc mới Tây không phải Tây, Tàu không Tàu. Một số ngôi chùa hiện đại đã được làm một cách tuỳ ý không theo kiến trúc truyền thống.
Một ngôi chùa hay đền, đình phải đạt chuẩn thông tam giới. Mái tượng trưng cho tầng trời. Đất – thân của nó là nơi thần và người tiếp cận, cần được thông nhau. Vì thế nền đất phải để mộc. Nếu có lát phải để những mạch rộng hoặc dùng gạch bát thấm nước để thông âm dương.
Những nơi đặt ban thờ thì gầm ban thờ lộ đất… để âm dương không bị cách trở. Nhưng nay thì người ta lát hết, thậm chí lát cả gạch men hoa. Họ tưởng là sang trọng nhưng họ không hiểu việc đó đã tạo nên sự ngăn cách âm dương không đi theo dòng truyền thống.

Vậy vì sao lại nhất định phải giữ lại những ngôi chùa cũ bé nhỏ và xuống cấp?

Giá trị của ngôi chùa cổ truyền thống thực sự không nằm ở vật chất mà ở chỗ khác. Đó là những di sản văn hoá cho chúng ta thấy tộc người chủ thể đi đến đâu để dấu tích lại tới đó. Điều đó quan trọng như thế nào? Chính những di sản văn hoá của tổ tiên để lại cho biết bước phát triển của cộng đồng dân tộc đi dần tới thống nhất như ngày nay một cách cực kỳ rõ ràng.
Thế mà nay cứ phá cái cũ đi để xây những cái mới lên thì còn gì để chúng ta chứng minh những điều ấy. Dù nó tàn phai thì vẫn để đấy vì nó vẫn đang nói với chúng ta những thì thầm của tổ tiên.

Nhưng thực tế xu hướng xây chùa mới to lớn, khang trang đang khá phổ biến?

Đó là một cảnh báo về hiện tượng phá hoại truyền thống văn hoá dân tộc. Đúng hơn là phá hoại bản sắc làm méo mó tâm hồn dân tộc. Một dân tộc có thiện tâm vô cùng cao nay lại chỉ quan tâm đến hình thức. Tôi xin nhắc lại là xây dựng chùa cao to mấy cũng được nhưng hãy để ra ngoài không gian kiến trúc của tổ tiên đã làm.

Phải chăng việc xây dựng những ngôi chùa mới nằm ngoài sự quản lý của ngành văn hoá?

Có thể ngành văn hoá cũng không biết đến điều ấy. Đến khi biết thì sự đã rồi.

Vâng. Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị mà ông đã dành cho độc giả của KH&ĐS.

Người dân đi lễ chùa để công đức nhà chùa. Nhưng không ít nhiều tiền dùng sự công đức để thao túng việc xây dựng. Xã hội chỉ có thể tốt đẹp khi đạt trình độ “phú quý sinh lễ nghĩa” chứ hiện nay mới chỉ đạt mức “no hơi ấm cật dậm dật chân tay”; vì kiến thức chưa đạt được đến mức hiểu biết lễ nghĩa…nên nó đã đẻ ra những kiến trúc trọc phú vô học, nhìn vào sự vô học lại tưởng là sự đẹp đẽ vì không có kiến thức.

Minh Anh (Thực hiện)
____________________________________________

Dân xôn xao thờ… ba cụ rùa tai đỏ

Chi Bảo

– Thời gian gần đây, người dân Thái Bình xôn xao về việc 3 cụ rùa kéo về ngự tại đền Bách Linh (thôn Đông An – Tân Lập – Vũ Thư – Thái Bình). Người dân cho rằng: “Đây là biểu tượng tụ khí của dải đất này. Đó chính là tam quy (quy phật, quy pháp, quy tăng) không khác gì Hoàn Kiếm”.

3 cụ rùa về đền trong 2 tháng

Đền Bách Linh cách cầu Tân Đệ 2km, phát tích ngôi đền chính là Bổng Điền Trang, thờ chân linh của nữ tướng Quế Hoa (thời Hai bà Trưng).

Trong vòng 2 tháng có tới 3 cụ rùa bò về đền Bách Linh gây xôn xao vùng đất ven đê sông Hồng. Hàng trăm người đổ về để được chiêm ngưỡng cụ rùa linh thiêng, trong đó có nhiều học sinh đến đây chỉ để sờ rùa cầu may cho kỳ thi Đại học.

Theo lời kể của chị Trần Thị Lành (Hồng Giang – Đông Hưng – Thái Bình), khoảng 11h ngày 1/5 chị đến khu đền Bách Linh thì thấy xuất hiện một cụ rùa ở bờ ruộng cạnh đền bò lên. Lúc đầu chị tưởng là ba ba, đến khi bắt được, nhìn kỹ mới phát hiện ra đó là rùa. Chị trao rùa cho cụ từ giữ đền để thờ. Đây là cụ rùa về đầu tiên.

Cụ rùa thứ hai được anh Bùi Văn Khoa (thôn Mỹ Bổng, xã Việt Hùng, Vũ Thư) phát hiện vào 7h30 ngày 25/5 tại nền cũ bệ thờ thổ thần ở đền Bách Linh.

Đến giữa tháng 6, người dân lại phát hiện cụ rùa thứ 3 ở đền Bách Linh. Cả 3 cụ rùa đều có đặc điểm chung là tai màu đỏ, nặng chừng 1,5kg.

Anh Nguyễn Xuân Đan (trưởng ban kiến thiết đền chùa thôn) cho biết: “Trong vòng 2 tháng 3 cụ rùa về từ 3 hướng. Cụ đầu tiên về từ hướng Tây ở bờ ruộng cạnh đền đi lên, cụ thứ 2 từ hướng Đông ở ví trí đường đê đi xuống, cụ thứ 3 về từ hướng Bắc”.

Sáng rước ra, tối rước về

Theo anh Vũ Duy Lưu, cán bộ mặt trận tổ quốc thôn Đông An, từ khi 3 cụ rùa về đền Bách Linh, lượng người hành hương về đền tăng đột biến. Tháng đầu mỗi ngày tới 500-1 triệu lượt, sau đó là 200-300 lượt người, thậm chí ban đêm cũng có người đến chiêm ngưỡng. Trong vòng 2-3 ngày đầu số tiền công đức lên tới hơn 50 triệu đồng.

Từ ngày rùa về, người dân thôn Đông An đã tu sửa lại đền Bách Linh và chùa Phúc Tâm (cùng thôn) khang trang hơn. Cũng từ số tiền công đức, người dân mua bể cá để thả rùa vào cho người dân khắp nơi đến chiêm ngưỡng.

Anh Lưu cho rằng: “Mảnh đất này phải như thế nào đó thì cụ rùa mới về, cũng như hồ Hoàn Kiếm. Mặc dù có khoảng trên 360 nhân khẩu nhưng làng có truyền thống hiếu học. Tỉ lệ đỗ đại học, công chức nhà nước đến 70%. Từ khi ba cụ về, mọi việc lớn bé trong thôn đều suôn sẻ, an ninh kỷ cương đảm bảo, không có điều tiếng gì”.

Theo người dân trong thôn, tin đồn rùa thiêng về đền Bách Linh đến tai cả những người buôn rùa ở tận Lạng Sơn, Ninh Bình. Họ về hỏi mua rùa với giá trên 200 triệu đồng. Sợ mất rùa, người dân trông coi các cụ ngày càng chặt chẽ hơn. Tối 7h là phải đưa các cụ rùa về chùa Phúc Tâm (bên trong làng), sáng hôm sau lại rước ra đền.

Anh Vũ Duy Thấn (Ban văn hóa xã Tân Lập – Vũ Thư) cho biết: “Xã có nghe phong thanh sự kiện ở đền Bách Linh nhưng chưa thấy thôn thông báo gì, chúng tôi cũng chưa kiểm định xác minh. Tuy nhiên theo nhận định của chúng tôi, ở đây chưa có gì bất ổn, an ninh trật tự tốt”.

__________________________________________

Học sinh trường quốc tế ‘đứt gánh giữa đường’ vì học phí

Ngoan Ngoan

Sau 2 năm ‘gồng mình’ cho con theo học trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương, đầu năm học vừa qua anh Thành đành ngậm ngùi xin rút hồ sơ chuyển trường cho cu cậu bởi gánh nặng học phí ngày càng cao.

Mặc dù kinh tế gia đình thuộc hàng khá giả, vợ làm chủ quán cà phê lớn, chồng quản lý đầu kéo container với mức thu nhập hàng tháng vài chục triệu đồng, song anh Thành, ở quận Gò Vấp, TP HCM, vẫn đau đầu với nỗi lo khoản học phí “kếch xù” gần 100 triệu đồng mỗi năm cho đứa con thứ út học lớp 8.
“Để không bị đứt gánh giữa đường ở trường quốc tế thì ít nhất phải có vài tỷ đồng gửi sẵn ở ngân hàng. Mà dạo này tình hình kinh tế khó khăn quá, nhắm không thể kham nổi khoản đầu tư khổng lồ cho con học hết chương trình nên sau một thời gian dài đắn đo, vợ chồng tôi quyết định xin cho con ra khỏi trường”, anh Thành kể.
Mặc dù tiếc cho vốn tiếng Anh của con có được từ ngôi trường quốc tế, song người cha này không còn cách lựa chọn khác. “Tôi đắn đo mãi mới quyết định bởi không thể chậm hơn được. Tôi hiểu, nếu không thể theo được đến cùng thì thà rút sớm chứ để vài năm nữa mới xin ra thì con mình sẽ không thể theo kịp các bạn ở trường mới”, anh băn khoăn.
Hiện nay anh Thành đã xin cho con học ở một trường công gần nhà rồi học thêm Anh văn ở một trung tâm ngoại ngữ với hy vọng sẽ nhẹ bớt gánh nặng học phí. Mặc dù thời gian đầu, con của anh cũng bị đuối sức, song sau 2 tháng miệt mài, em đã dần đuổi kịp các bạn trong lớp.
“Thôi thì giờ hy vọng vào thái độ học hành của cháu. Nếu sau này nó có ý định đi du học mà kinh tế gia đình khá hơn thì tôi sẽ đầu tư cho cháu. Tôi thấy có nhiều học sinh xuất thân từ những trường bình thường ở Việt Nam nhưng học giỏi rồi giành được học bổng qua nước ngoài học vẫn thành danh đấy thôi”, người cha đầu 2 thứ tóc chia sẻ.
Có mặt tại trường tiểu học dân lập Quốc tế, quận 1, một ngày cuối tháng 7, chị Thường, cán bộ đoàn quận Thủ Đức đang làm đơn xin chuyển trường cho đứa con vừa học hết lớp một cũng chỉ vì gánh nặng học phí .
Chị cho biết, ban đầu dự định cho con học trường quốc tế để có nền tảng ngoại ngữ sau này đi du học nên đã bán đi mảnh đất hương hỏa để dành lo cho con. Tuy nhiên khoản học phí, cộng thêm tiền xe đưa rước mỗi tháng ngót 6,5 triệu đồng đã khiến vợ chồng chị phải suy nghĩ lại.
“Số tiền này gấp 10 lần mức mà tôi phải chi cho đứa con đầu đang theo học tại một trường công gần nhà. Đã vậy nghe nói năm nay sẽ tăng nữa nên tôi đành phải rút đơn xin cho cháu về học trường ngoài. Chứ cứ nhắm mắt cho con theo hết 12 năm trường quốc tế thì tôi phải bán nhà luôn quá”, người mẹ trẻ tiếc nuối.
Nỗi lo học phí trường quốc tế cũng đang là chủ đề được chia sẻ nhiều trên các diễn đàn hiện nay. Ngoài ra, các phụ huynh có con đang theo học ở đây còn tỏ ra không mấy hài lòng về chất lượng giáo viên, cơ sở vật chất, vệ sinh thực phẩm…, khác với những tiêu chuẩn nhà trường đã thông báo hồi đầu.
“Thiệt tình mình bối rối trong chuyện cho con học trường nào. Muốn cho học trường quốc tế nhưng học phí cao, sợ những năm lớn hơn, mình lo không nổi thì tội con. Có suất học trường công Hòa Bình, quận 1, thì không muốn học. Ôi trời! Con còn nhỏ thì lo nó uống sữa, ăn ngủ đỡ khổ hơn lo chuyện học hành”, một phụ huynh than thở trên diễn đàn.
Nhìn nhận vấn đề học phí tại các trường này, thầy Sơn, giáo viên một trường tiểu học quốc tế tại TP HCM góp ý: “Nếu còn do dự khoản học phí thì phụ huynh không nên cho con học ở đây. Đừng để đến lúc ‘đuối’ mới rút thì đổ hết công sức xuống sông xuống biển. Bởi chương trình học ở trường quốc tế nhẹ hơn nhiều nên khi quay trở lại môi trường học cũ, trẻ sẽ có cảm giác bị mất căn bản. Thường sau đó các em này rất chật vật để đuổi kịp bạn bè”.
Thầy Sơn khẳng định, một đứa trẻ đã giỏi thì học trường nào cũng giỏi. Sở dĩ học sinh trường quốc tế có khả năng nói tiếng Anh ‘như gió’ là vì thời lượng dành để học Anh văn ở đây gấp 10 lần so với bên ngoài, cộng với môi trường toàn người nước ngoài thì học giỏi ngoại ngữ là điều đương nhiên. “Cha mẹ không nên vì tiếng tăm của trường quốc tế mà cho con học bằng bất kỳ giá nào để cuối cùng phải đứt gánh giữa đường vì không kham nổi khoản học phí đắt đỏ”, thầy nói.
Trao đổi với VnExpress.net, đại diện một trường quốc tế có tiếng tại TP HCM cho biết, mức học phí năm nay của trường tăng khoảng 10% so với năm trước. Cụ thể với khối mẫu giáo sẽ là 5,4 triệu đồng một tháng; tiểu học khoảng 6 triệu đồng; trung học từ 8,2-9,8 triệu đồng một tháng. Số tiền trên sẽ được thanh toán làm 4 đợt trong năm.
Ngoài ra nhà trường còn có xe đưa rước học sinh với mức phí căn cứ theo địa bàn. Theo bảng niêm yết thì mức giá dành cho địa bàn nội ô thành phố khoảng 2 triệu đồng một tháng và 3,5 triệu đồng trở lên với vùng ngoại thành.
Cô Nguyễn Thị Kiều Oanh, trường tiểu học Dân lập Quốc tế, quận 1, cũng cho biết, học phí năm nay của trường tăng từ 100-200 nghìn đồng. Cụ thể học phí trung bình đối với học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 khoảng 3,5 triệu đồng một tháng; 5,7 triệu đồng mỗi tháng với lớp 4 và 5.
Theo cô Oanh thì mức học phí của trường này tương đối “mềm” so với các trường quốc tế trong nước. “Mặc dù so với trường công thì số tiền học phí này cao gấp nhiều lần nhưng nếu xét về chất lượng giảng dạy thì không mắc so với nhiều trường quốc tế khác. Nếu cha mẹ muốn cho con đi du học thì nên đầu tư ngay từ bây giờ bởi ngoài chương trình học do Bộ Giáo dục quy định, các em còn được học tiếng Anh với người nước ngoài và các chương trình học tiên tiến giúp trẻ làm quen với môi trường giáo dục quốc tế”, cô khẳng định.

_________________________________________

Việt Nam có dân số vàng nhưng nguồn nhân lực ‘lấm lem’

Hạ Anh

– Kết quả cuộc tổng điều tra dân số quốc gia năm 2009 được Tổng cục Thống kê công bố hôm qua ( 21/7) phát ra hai tín hiệu ngược nhau về trình độ dân trí và nguồn nhân lực. Trong khi số lượng người mù chữ giảm thì tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ lao động kỹ thuật vẫn thấp, dù dân số Việt Nam được đánh giá là đang ở thời kỳ vàng.

86,7% nhân lực chưa có tay nghề

Cũng như tổng điều tra 1999 và để bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế, tổng điều tra lần này chỉ thu thập thông tin về nhân lực đã được cấp bằng hoặc chứng chỉ về trình độ chuyên môn kỹ thuật đối với những người từ 15 tuổi trở lên, tức là những người đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật (tính từ “sơ cấp” đến “đại học trở lên’).
Kết quả suy rộng mẫu cho thấy, có 8,6 triệu người đã được đào tạo, chiếm 13,3% tổng dân số ở độ tuổi này. Trong đó, 2,6% đã tốt nghiệp sơ cấp, 4,7% trung cấp, 1,6% cao đẳng, 4,2% đại học và 0,2% trên đại học.
Trong độ tuổi từ 15 trở lên, số người được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm 25,3% ở thành thị và 8% ở nông thôn.
So sánh ở từng bậc, tỷ lệ những người có trình độ trung học nghề trở xuống ở thành thị gấp 2 lần nông thôn. Còn tỷ lệ từ cao đẳng trở lên gấp 5 lần.
Tính theo khu vực, tỷ lệ dân số chưa qua trình độ đào tạo nào thấp nhất là Đồng bằng Sông Hồng (80,6%), và cao nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (93,4%). Những người chưa được đào tạo chủ yếu là lao động cá thể trong các lĩnh vực nông, lâm thủy sản.
Một điều đáng quan tâm, số người đi học nghề (sơ cấp, trung cấp) có xu hướng giảm, còn số người đi học cao đẳng, đại học trở lên có xu hướng tăng.
Trong khi đó, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, cơ cấu dân số theo tuổi của Việt Nam thay đổi theo hướng tích cực. Sau 10 năm, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi giảm từ 33,1% (năm 1999) xuống còn 24,5%. Ngược lại, tỷ trọng dân số nhóm tuổi 15 – 64 (là nhóm tuổi chủ lực của lực lượng lao động) tăng từ 61,1% lên 69,1%.
Cơ quan này cho rằng, đây là thời kỳ dân số nước ta có ưu thế về lực lượng lao động, còn được gọi là thời kỳ của “cơ cấu dân số vàng”. Thời kỳ “vàng” bắt đầu từ năm 2003 và có thể kéo dài từ 30 đến 50 năm. Điều này được đánh giá là lợi thế rất lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước, nếu tận dụng được tính ưu việt về lực lượng lao động.

“Những con số biết nói tích cực” của trình độ dân trí

Kết quả thống kê dân số lần này cho thấy những con số biết nói khả quan về trình độ học vấn so với 10 năm trước đó.
Tỷ lệ biết chữ của dân số từ 15 tuổi trở lên liên tục tăng qua hai cuộc tổng điều tra gần đây nhất: 90,3% năm 1999 và 94,0% năm 2009. Tỷ lệ biết chữ của nữ tăng 4,9% trong khi tỷ lệ này của nam chỉ tăng 2,2%, làm cho chênh lệch giữa 2 giới được thu hẹp đáng kể.
Vào 0h ngày 01/4/2009 dân số Việt Nam có 85.846.997 người. Tính từ cuộc Tổng điều tra trước,bình quân mỗi năm tăng 952.000 người.
Do tỷ lệ người già tăng trong khi tỷ lệ trẻ em giảm mạnh trong thập kỷ 1999 – 2009,chỉ số già hoá của dân số nước ta tăng từ 24,3% lên 35,5% (cao hơn mức trung bình của các nước khu vực Đông Nam Á (30%), tương đương với con số đó của Inđônêsia và Philíppin,thấp hơn của Singapore (85%) và Thái Lan (52%)
Tỷ lệ biết chữ của nhóm 50 tuổi trở lên là 88,0%, tỷ lệ biết chữ của nhóm tuổi trẻ hơn tăng dần khi độ tuổi giảm đi (và đạt mức cao nhất là xấp xỉ 98% ở nhóm tuổi 15-17 tuổi).
Số liệu của tổng điều tra 2009 cho thấy sự chênh lệch về tỷ lệ biết chữ giữa thành thị và nông thôn cũng rất thấp: 97,3% ở thành thị và 92,5% ở nông thôn.
Vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ biết chữ cao nhất (97,5%). Thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (88,1%). Địa phương có tỷ lệ biết chữ cao nhất là Hà Nội, Hải Phòng và TP.HCM (97,9%) và thấp nhất là Lai Châu (59,4%).
Đến nay, tỷ lệ người từ 5 tuổi trở lên đã từng đi học là 95,0%.
Theo kết quả của tổng điều tra 2009, chỉ có dưới 4 triệu người chưa bao giờ đi học, chiếm 5,0% tổng dân số 5 tuổi trở lên (năm 1999 là 6,9 triệu người, chiếm 10,0%).
Tuy nhiên, còn có sự khác biệt của tỷ lệ người chưa đi học theo vùng kinh tế xã hội. Tây Nguyên và Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ chưa đi học cao nhất cả nước và cao hơn mức đi học chung (tương ứng là 9,1% và 10,0%).
Trong số 55,7 triệu người 5 tuổi trở lên đã thôi học vào thời điểm điều tra, có 88,4% đã theo các bậc học phổ thông, 4,9% đã theo học nghề (sơ cấp, trung cấp), 1,7% đã theo học cao đẳng (bao gồm cả cao đẳng nghề) và 5,0% đã theo học đại học trở lên.
Trong số 19,2 triệu người 5 tuổi trở lên đang đi học vào thời điểm điều tra, có 87,6% đang theo các các bậc học phổ thông, 2,7% đang theo học nghề (sơ cấp, trung cấp), 3,2% đang theo học cao đẳng (bao gồm cả cao đẳng nghề) và 6,6% đã theo học đại học trở lên.
Có sự khác biệt đáng kể về trình độ học vấn giữa các vùng. Hai vùng có mức độ phát triển cao nhất về kinh tế – xã hội là Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có tỷ trọng dân số tốt nghiệp THPT trở lên cao nhất, tương ứng 30,1% và 27,2%. Ngược lại, Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ trọng dân số chưa tốt nghiệp tiểu học cao nhất (32,8%) tiếp đến là Tây Nguyên (25,7%).

_____________________________________________

24 tuổi lấy chồng, 80 tuổi vẫn là… con gái

Ở trung tâm Bảo trợ xã hội và nuôi dưỡng người có công tỉnh Phú Yên có một người phụ nữ đã ở tuổi 80 song vẫn còn con gái. Bà có chồng nhưng cuộc chiến tranh khốc liệt đã chia cắt đôi uyên ương trẻ khi họ vừa mới cưới được một buổi sáng. Câu chuyện giữa chúng tôi bị ngắt quãng liên tục do sức khoẻ bà không tốt. Chắp nối những lời kể rời rạc, tôi dần hình dung ra một cuộc đời nhiều cống hiến, mất mát và hy sinh của bà.

Những ngày chiến tranh khốc liệt, quê hương Sơn Hoà trở thành nơi ẩn náu của nhiều lực lượng cách mạng. Bà cùng với những người phụ nữ trong làng tham gia tiếp tế lương thực, đạn dược cho cơ sở. Năm đó bà 24 tuổi. Người con gái có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, dũng cảm đã để lại biết bao thiện cảm cho các anh bộ đội cụ Hồ.

Rồi bà gặp ông, người cán bộ can trường, nước da rám nắng, đen như mật. Không hiểu sao vừa gặp ông là bà thấy thương cái ánh mắt sáng như sao nhưng lại rất kiên định đến thế. Và rồi bà quyết định gắn bó cuộc đời với ông.

Ngày cưới, đôi vợ chồng trẻ chưa kịp vui vầy thì ông nhận được tin chuyển công tác ra huyện Sông Hinh. Họ mới vừa cưới nhau được một buổi sáng. Và ông biền biệt đi mãi.

Ngước mắt nhìn bàn thơ ông, giọng bà nghe vẫn còn tha thiết như thuở mới yêu: “Chiến tranh mà, hy sinh tình riêng là điều tất nhiên. Chỉ tiếc là chưa sống với nhau giây phút vợ chồng nào hết”.

Ông lên đường nhận công tác mới. Bà tiếp tục ở lại với công tác tiếp tế lương thực cho bộ đội. Năm 1960, bà bị địch bắt ngay trên đường làm nhiệm vụ. Chúng tra tấn, đánh đập dã man, nhưng người con gái kiên trung vẫn bất khuất không khai nửa lời.

Khuôn mặt bà nhíu lại đau đớn, hai tay run run ôm lấy ngực khi nhớ lại những trận đòn tra tấn của địch. Tưởng như ký ức đau thương mới xảy ra hôm qua! Đỉnh điểm của đòn tra tấn là chúng treo bà lên cột cờ, với lý lẽ: “Đầu mày nhỏ sao mà cứng quá vậy, treo lên phơi nắng coi có chịu được không”.

Những lúc tận cùng đau đớn đó, bà lại nghĩ về ông, người chồng thương yêu đang chiến đấu ở chiến trường xa, lấy đó làm sức mạnh để vượt qua tất thảy gian lao.

Năm 1963, bà được địch thả. Bà tiếp tục quay trở lai với nhiệm vụ nuôi thương binh cho đến ngày giải phóng. Trong thời gian đó bà vừa làm công tác vừa tiếp tục chung thuỷ chờ đợi ông. Nhưng… chiến tranh khốc liệt đã chia cách ông bà mãi mãi.

Năm 1973, ông hy sinh. Năm đó bà 43 tuổi. “Chỉ còn hai năm nửa là giải phóng rồi, thế mà ông ấy không đợi được. Thương lắm” – Bà run run đứng trước bàn thờ ông thì thầm. Ông ra đi mà không kịp để lại cho bà một đứa con.

Hoà bình lập lại. Bà về sống với đứa cháu họ, nhưng cuộc sống khó khăn, sức khoẻ bà lại ngày mỗi yếu, gia đình người cháu cũng nghèo không đủ điều kiện chăm sóc bà đầy đủ. Năm 2009, bà được đón vào sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội và nuôi dưỡng người có công tỉnh. Hiện tại bà được hưởng trợ cấp vợ liệt sĩ neo đơn, lương hưu trí và chất độc màu da cam, mỗi tháng 3 triệu đồng.

Tôi gặp bà vào một buổi chiều tháng 7, bà đang thoải mái nằm nghe thời sự bằng một chiếc đài nhỏ. Sức khoẻ đã cao, đi lại không được nhiều nên mọi sinh hoạt cá nhân, bà đều nhờ cả vào các cô hộ lý ở Trung tâm. Bà tâm sự: “Ngày trước bà không biết chữ, đi làm cách mạng bằng đôi tay và chân này thôi. Nhưng bây giờ cái chân yếu quá, không đi đâu xa được, nhờ ơn Đảng và Nhà nước bà được quan tâm tận tình chu đáo lắm”.

Không ra thăm mộ ông được, suốt ngày bà quanh quẩn hương khói, lau dọn bàn thờ ông. Không có ảnh, bà đặt lên đó Bằng Tổ quốc ghi công của ông. Những năm tháng cuối đời bà giữ mãi hình ảnh của người chồng thân yêu, sống thanh thản và bình yên trong sự chăm sóc, yêu thương của các cán bộ nhân viên Trung tâm bảo trợ xã hội và nuôi dưỡng người có công tỉnh.

Bà là Trần Thị Mai, sinh năm 1930, quê ở huyện Sơn Hoà (Phú Yên)

(Theo Dân Trí)
__________________________________________________

Khai trừ đảng, đình chỉ chức vụ ông Nguyễn Trường Tô

* Quan hệ không lành mạnh
* Ông Nguyễn Trường Tô: “Tôi xin được thứ lỗi”

TTO – Hội nghị Ban chấp hành đảng bộ tỉnh Hà Giang (mở rộng) sáng nay (25-7) lần lượt nghe công bố hai quyết định kỷ luật về đảng và về chính quyền đối với ông Nguyễn Trường Tô, Phó bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.
Ông Tô bị Ban bí thư Trung ương “thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi đảng”. Đây là mức kỷ luật nặng hơn so với đề nghị “cách hết các chức vụ trong đảng” của Ủy ban kiểm tra Trung ương trước đó.

“Quan hệ không lành mạnh với gái mại dâm”

Quyết định (số 1718, ngày 19-7-2010 của Ban bí thư) được Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương Mai Thế Dương đọc tại hội nghị nói rõ lý do khai trừ đảng ông Tô như sau: “Với cương vị là phó bí thư tỉnh ủy, bí thư ban cán sự đảng, chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Trường Tô đã thiếu gương mẫu trong sinh hoạt, sống buông thả, quan hệ không lành mạnh với gái mại dâm, vi phạm nghiêm trọng tư cách đảng viên, cấp ủy viên, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người cán bộ lãnh đạo, gây bất bình trong đảng và xã hội, khi kiểm điểm thiếu thành khẩn. Vi phạm trên của đồng chí Nguyễn Trường Tô là rất nghiêm trọng”.
Cùng với việc bị khai trừ đảng, ông Nguyễn Trường Tô còn phải nhận quyết định (số 1248 ngày 21-7-2010) của Thủ tướng Chính phủ đình chỉ chức vụ chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang (do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng công bố).
Trả lời Tuổi Trẻ qua điện thoại trước khi quyết định của Thủ tướng được công bố, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc nói ông vừa ký công văn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng yêu cầu Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang bãi nhiệm đại biểu HĐND tỉnh và chức vụ chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Nguyễn Trường Tô. Đây là căn cứ để Thủ tướng xem xét, xử lý ông Tô theo quy định và theo đề nghị của các cơ quan đảng (cả Ban bí thư và Ủy ban kiểm tra Trung ương đều đề nghị cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang của ông Tô- PV).
Nguồn tin của Tuổi Trẻ tại Hà Giang hôm nay cho biết ông Hoàng Đình Châm, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh chính thức được phân công điều hành công việc thay nguyên chủ tịch Nguyễn Trường Tô. Ông Châm xác nhận điều này với phóng viên Tuổi Trẻ chiều cùng ngày nhưng từ chối trả lời về các nội dung liên quan.

Bài học xương máu

Theo một ủy viên Ban chấp hành đảng bộ tỉnh Hà Giang, các ý kiến tại hội nghị sáng nay cho thấy mức độ vi phạm và hình thức kỷ luật của ông Tô là nghiêm trọng nhất trong lịch sử đảng bộ, ảnh hưởng lớn nhất tới uy tín đảng bộ địa phương.
Bí thư tỉnh ủy Hoàng Minh Nhất phát biểu phải coi đây là “bài học xương máu” cho tập thể, cho từng cá nhân: Về phần mình, tỉnh ủy sẽ tổ chức rút kinh nghiệm và xử lý nghiêm minh những vấn đề tồn tại liên quan đến vụ việc này.
Trò chuyện với Tuổi Trẻ sau hội nghị sáng nay, một tỉnh ủy viên cho biết ông rất tâm đắc khi nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang đúc rút một bài học mà chính ông Sang nói rằng ông “suy nghĩ mãi”, đó là cách tự kiểm trong nội bộ đảng, có lẽ do nể nang dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề quan trọng của tỉnh ủy Hà Giang lúc này là lo công tác tư tưởng và củng cố niềm tin bằng việc khẩn trương chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp cho tốt, sau đại hội thì triển khai ngay chương trình hành động và những việc làm cần ưu tiên, không để những khoảng trống.

*Dự kiến sau phiên họp bất thường HĐND tỉnh vào 28-7 để xem xét bãi nhiệm đại biểu HĐND và chức vụ chủ tịch UBND tỉnh của ông Nguyễn Trường Tô, lãnh đạo tỉnh Hà Giang tổ chức họp báo về sự việc này.

“Tôi xin được thứ lỗi”

“UBKT TƯ đã có kết luận về tôi và nay BBT TƯ Đảng thông báo quyết định thi hành kỷ luật tôi thì đó là hình phạt nặng nề, nghiêm khắc, quá đau xót và ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của đảng bộ tỉnh ta.
Qua các đồng chí trong BCH tỉnh ủy, các đồng chí tham dự hội nghị, cho tôi tỏ lòng biết ơn đến đông đảo đảng viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã luôn dành cho tôi sự ủng hộ, động viên và giúp đỡ lớn lao và tôi xin được thứ lỗi.”
Ông Nguyễn Trường Tô nói như vậy tại hội nghị Ban chấp hành đảng bộ tỉnh Hà Giang (mở rộng) sáng qua, sau khi nghe các quyết định kỷ luật dành cho mình.
Ông Tô năm nay 57 tuổi, quê ở Thái Bình, tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, công tác tại Sở Nông nghiệp tỉnh Hà Tuyên (trước khi tách thành Tuyên Quang và Hà Giang) từ năm 1986. Ông Tô vào Đảng năm 1983 (chính thức năm 1984). Năm 2005, ông Tô được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang. Trước đó ông từng giữ các chức vụ Chánh văn phòng UBND tỉnh, Bí thư thị ủy Hà Giang, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư.
Do tới tháng 10-2013 ông Tô mới đến tuổi nghỉ hưu nên Thường vụ tỉnh ủy Hà Giang đã gợi ý ông Tô nếu có nguyện vọng gì về công việc để tiếp tục phấn đấu cống hiến thì Thường vụ tỉnh ủy sẽ xem xét.
Theo phân cấp quản lý cán bộ, chức danh chủ tịch UBND tỉnh thuộc diện Ban bí thư Trung ương quản lý và do Thủ tướng quyết định phê chuẩn chức vụ sau khi được HĐND tỉnh bầu. Như vậy các quyết định kỷ luật về đảng và về chính quyền đối với chủ tịch UBND tỉnh phải do BBT và Thủ tướng ký.

NHÓM PV TUỔI TRẺ
___________________________________________

Sự thật về một âm mưu khủng bố nghệ sĩ

Thi Nga

Vụ Lý Tống tấn công khủng bố ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nằm trong âm mưu toan tính chống phá theo kịch bản “chiến dịch biểu tình chống văn công Cộng sản” do những kẻ cầm đầu cái gọi “Ủy ban chống Cộng bắc California”. Và Lý Tống chính là kẻ lĩnh “ấn tiên phong” trực tiếp thực hiện hành vi tội ác. Vì vậy, vụ việc vừa qua là có liên quan đến “chiến dịch” chống phá Việt Nam của những bệnh hoạn, chống Cộng mù quáng ở Mỹ cần lên án mạnh mẽ…

Từ sau đêm 18/7, xảy ra vụ tên khủng bố Lý Tống tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng khi đang biểu diễn trong một nhà hát ở thành phố Santa Clara, bang California, Mỹ, tới nay, các phương tiện truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại, nhất là các đài, “báo” lá cải của bọn phản động lưu vong người Việt ở bang California, Mỹ vẫn chưa ngớt lợi dụng đưa tin kích động, tẩy chay ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng xung quanh vụ việc này.
Theo nguồn tin riêng của Chuyên đề ANTG ở Mỹ, tới nay đã xác định rõ động cơ, mưu đồ vụ tấn công khủng bố ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là có dự mưu từ trước với những thủ đoạn toan tính có tổ chức và hèn hạ nhất của đám phản động lưu vong người Việt lang thang, vật vờ trên đất Mỹ. Và, với bề dày “thành tích” khủng bố, “chống Cộng”, tên Lý Tống đã được bọn phản động lưu vong người Việt giao “lĩnh ấn tiên phong” trực tiếp thực hiện hành vi tội ác khủng bố ngay trên đất Mỹ.
Một âm mưu khủng bố có tổ chức

Trở lại vụ án Lý Tống tấn công khủng bố ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng: Khoảng 20h ngày 18/7 – giờ Mỹ, khi buổi biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, có sự tham gia của ca sĩ Mỹ Tâm đã diễn ra quá nửa thời gian trong một nhà hát ở thành phố Santa Clara, có sức chứa 600 người, với khoảng 400 khán giả dự. Vào thời điểm hai ca sĩ: Đàm Vĩnh Hưng – Mỹ Tâm đang say sưa trình bày ca khúc “Trái tim không ngủ yên”, thì tên khủng bố Lý Tống đóng giả phụ nữ xuất hiện, y vờ ôm hoa tiến lại gần sân khấu rồi bất ngờ dùng bình xịt hơi cay chứa hóa chất pepper spray tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Hậu quả của vụ tấn công là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã bị chất độc gây bỏng rát nặng ở vùng mặt, mắt cay xè, gây ảnh hưởng vùng da xung quanh cổ gần ngực. Ca sĩ Mỹ Tâm và nhạc công, nhiều khán giả ngồi gần cũng bị ảnh hưởng bởi hơi cay của chất độc gây hại.

Vụ tấn công khủng bố của Lý Tống đối với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã làm gián đoạn buổi biểu diễn ca nhạc khoảng 20 phút. Sau đó, buổi biểu diễn chỉ được nối lại, khi sân khấu đã được nhân viên nhà hát giải quyết ổn định và buổi biểu diễn kết thúc vào khoảng 21h30’ cùng ngày. Hành vi côn đồ, đê hèn của tên khủng bố Lý Tống tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ngay trên sân khấu ở nước Mỹ, đã bị rất nhiều người Việt là khán giả dự buổi biểu diễn ca nhạc lên án phản đối kịch liệt. Nhiều người trong số họ đã rời chỗ ngồi chạy lên sân khấu phối hợp với lực lượng bảo vệ Nhà hát giúp vây bắt tên khủng bố Lý Tống.

Ngay sau gây án tên Lý Tống đã bị Cảnh sát thành phố Santa Clara bắt giữ và dẫn độ về tống giam ở tầng 4 (cùng phòng với can phạm người Mỹ) tại Nhà tù ở thành phố Santa Clara, bang California. Tuy nhiên, khoảng hơn một ngày sau, tên khủng bố Lý Tống đã được cảnh sát cho tại ngoại, sau khi luật sư Nguyễn Tâm của y chạy đôn chạy đáo lo đủ số tiền đóng bảo lãnh lên đến 52.000USD (có nguồn tin cho rằng số tiền đóng bảo lãnh cho Lý Tống là 100.000USD).

Nhưng trước đó, Sở Cảnh sát thành phố Santa Clara đã ra lệnh truy tố 4 tội danh, gồm: Đột nhập trái phép; Sử dụng hơi cay trái phép; Hành hung người khác và Chống lại nhà chức trách. Thiếu úy Cảnh sát Phil Cooke, người thảo Thông báo về vụ án thuộc Sở Cảnh sát Santa Clara cho biết: Đây là một vi phạm luật pháp nghiêm trọng và cần phải bị truy tố”.

Tiếp đó, ngày 22/7, Lý Tống đã phải ra hầu tòa, tại tòa án Hall of Justice, thành phố Santa Clara, bang California, Mỹ. Ngay sau phiên xét xử Lý Tống đầu tiên, báo chí Mỹ đưa tin: Phiên tòa đã diễn ra trong thời gian ngắn. Tại tòa, Lý Tống bị cáo buộc 4 tội danh, gồm: Đột nhập trái phép; Sử dụng hơi cay trái phép; Hành hung người khác và Chống lại nhà chức trách. Người phát ngôn của Tòa án quận Santa Clara, bang California Amy Cornell cho biết, nếu bị kết án với cả 4 tội danh này, Lý Tống có thể đối mặt với 5 năm tù giam.

Vẫn theo nguồn tin, sau phiên tòa Lý Tống đã bị tống giam trở lại tại Nhà tù Santa Clara. Mức phí bảo lãnh tại ngoại đối với y đã được yêu cầu nâng từ 52.000USD lên 100.000USD. Phiên tòa xét xử Lý Tống tiếp theo sẽ được mở vào ngày 23/7 (tức ngày 24/7 giờ Hà Nội).

Theo nguồn tin riêng của ANTG, Cảnh sát thành phố Santa Clara đã điều tra làm rõ vụ Lý Tống tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng ngay trên đất Mỹ là một âm mưu khủng bố có tổ chức và toan tính theo “kịch bản” của một số tên đầu sỏ chống Cộng – thực chất là chống lại quê hương, đất nước – trong các hội đoàn phản động người Việt ở thành phố San Jose và thành phố Santa Clara, ở phía bắc bang California, Mỹ. Theo đó, khi biết tin ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ có chuyến lưu diễn tại 2 thành phố trên, từ đầu tháng 7, bọn chúng đã lên kế hoạch và chuẩn bị rất kỹ cho kịch bản biểu tình phản đối, tấn công chuyến lưu diễn của Đàm Vĩnh Hưng, tại Mỹ.

Vào 20h ngày 10/7, bọn đầu sỏ đã nhóm họp tại văn phòng riêng của gã luật sư Michael Lưu, với trên 40 tên thuộc cái gọi “Ủy ban chống Cộng bắc Californa” – một đám ô hợp “chống Cộng” ngụ cư tại thành phố San Jose và thành phố Santa Clara, ở phía bắc bang California, như: tên Võ Đại – nguyên trung tá chế độ cũ, di tản sang Mỹ năm 1975, Vũ Huynh Trưởng, Lý Tống, Trần Văn Loan, Ngô Văn Tiệp, Cao Minh Trí, Huỳnh Phong, Trần Thành, Lê Văn Ý, Thomas Nguyễn, Nguyễn Bạch Túc, Phạm Hữu Sơn, Nguyễn Thanh Lương, Nguyễn Văn Bảy, Michael Lưu, Tony Định, Cao Minh, Trấn Đức Túc, Cao Thị Tình, Phạm Tố Loan, Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Kỳ Nhơn… Tại buổi tụ tập này, bọn đầu sỏ cầm đầu đã lập ra “Ủy ban tổ chức biểu tình chống cuộc trình diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng”.

Mở đầu cuộc tụ tập, tên Võ Đại đã báo cho đám phản động người Việt biết tin ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sẽ đến biểu diễn ca nhạc tại Santa Clara Convention, thành phố Santa Clara, bắt đầu hồi 19h, Chủ nhật ngày 18/7. Y kích động với luận điệu của kẻ chống Cộng mù quáng khi cho rằng, cần tổ chức cuộc biểu tình “để nói lên lập trường chống Cộng kiên định…”. Theo phân công, tên Vũ Huynh Trưởng đã công bố một danh sách những hội đoàn chống Cộng đã ghi danh chấp nhận tham dự “biểu tình chống ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng”.

Cuối buổi tụ họp, chúng đã đề “Ban biểu tình”, cử tên Võ Đại, trưởng ban, Michael Lưu, Nguyễn Thanh Lương, Huỳnh Phong, phó trưởng ban, Vũ Huynh Trưởng; thủ quỹ có các tên: Cao Minh Trí, Tony Đinh, Trần Thành – Nguyễn Thanh Lương, Trần Đức Túc và các tên Phạm Đức Vượng, Đặng Thiên Sơn, Hồ Vũ, Lê Lộc, Cao Thị Tình. Sau cùng, chúng đã ra cái gọi “Tuyên cáo chống lại việc ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến trình diễn tại bắc California”.

Theo mưu toan của đám phản động, khủng bố đã vạch sẵn, khoảng 4 giờ diễn ra buổi biểu diễn ca nhạc của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Mỹ Tâm, bọn cầm đầu cái gọi “Ủy ban biểu tình…” đã kích động lôi kéo đám khoảng 200 kẻ “cùng hội cùng thuyền” tụ tập, trương nhiều biểu ngữ phản động biểu tình bên góc đường, phía ngoài nhà hát Santa Clara Convention nhằm phản đối buổi biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Những kẻ ấy, vận những bộ trang phục của cái thây ma lính chế độ cũ và cờ vàng, vốn chẳng đại diện cho nhà nước nào đương đại. Ngạc nhiên hơn cả là trong đám người ô hợp, lố nhố ấy, người ta dễ nhận ra có cả ông dân biểu người Mỹ, gốc Việt Cao Quang Ảnh tham gia cổ vũ cho trò ma bùn, bẩn thỉu kia.

Cuộc “biểu tình” tuyệt nhiên không thấy mặt tên khủng bố Lý Tống… Thì ra, y đã được phân thực hiện một vai diễn khủng bố rất bất ngờ và táo bạo. Số là Lý Tống được sự trợ giúp của đồng bọn, y đã cải trang thành một phụ nữ, đội tóc giả, mặc váy đen, với áo khoác màu đỏ cầm một bình xít hơi cay, mua vé loại 75USD dành cho khán giả ở hàng ghế đầu để che mắt nhân viên bảo vệ nhà hát vào tham dự chương trình ca nhạc của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Chờ đến khi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và Mỹ Tâm biểu diễn xong ca khúc “Trái tim không ngủ yên” thì y giả đò lên tặng hoa rồi bất ngờ tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong sự ngỡ ngàng của ca sĩ Mỹ Tâm, nhân viên bảo vệ và khán giả.

Như vậy, rõ ràng vụ Lý Tống tấn công khủng bố ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng là nằm trong âm mưu toan tính chống phá theo kịch bản “chiến dịch biểu tình chống văn công Cộng sản” do những kẻ cầm đầu cái gọi “Ủy ban chống Cộng bắc California”. Và Lý Tống chính là kẻ lĩnh “ấn tiên phong” trực tiếp thực hiện hành vi tội ác. Vì vậy, vụ Lý Tống tấn công ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vừa qua là có liên quan đến “chiến dịch” chống phá Việt Nam của những bệnh hoạn, chống Cộng mù quáng ở Mỹ cần lên án mạnh mẽ.

Hiện nay, sức khỏe của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã ổn định. Sau vụ bị Lý Tống dù giọng hát của Đàm Vĩnh Hưng bị ảnh hưởng ít nhiều, nhưng anh vẫn cố gắng hoàn thành kế hoạch, chương trình lưu diễn ở Mỹ để không phụ lòng người hâm mộ, yêu mến nam ca sĩ từ trong nước ra phục vụ đồng bào hải ngoại ở Mỹ.

Lý Tống – kẻ khủng bố điên khùng

Lý Tống tên thật là Lê Văn Tống, sinh ngày 1/9/1946, tại Thừa thiên – Huế. Trước 30/4/1975, y là sĩ quan không quân của quân đội chế độ cũ. Năm 1983, Lý Tống vượt biên bằng đường bộ trốn sang Campuchia, Thái Lan, Malaysia, sau đó đi đường biển đến Singapore và được định cư tại Mỹ. Sau khi đến Mỹ, Lý Tống đã tham gia vào hội đoàn tổ chức chống Cộng lưu vong ở hải ngoại, nhất là ở Mỹ. Y nổi đình nổi đám ở hải ngoại với các phi vụ rải truyền đơn phản động, khủng bố chống Việt Nam, Cuba.

Đầu tháng 9/1992, Lý Tống từ Mỹ bay sang Thái Lan thực hiện âm mưu khủng bố. Y mua vé từ Bangkok về TP HCM trên máy bay Airbus A310 của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam. Chuyến bay này chở 153 khách cùng phi hành đoàn. Trên máy bay, Lý Tống dùng vũ khí khống chế, cướp máy bay. Khi máy bay vào khu vực trung tâm TP HCM, Lý Tống đã khống chế phi hành đoàn mở cửa sổ phòng lái để y rải truyền đơn. Sau khi thực hiện hành vi khủng bố, Lý Tống buộc mở cửa máy bay cho y nhảy dù và bị bắt, sau đó bị kết án 20 năm tù.

Tháng 9/1998, Lý Tống được Chính phủ Việt Nam đặc xá và trục xuất về Mỹ. Tưởng rằng, y sẽ ăn năn hối cải, y lại tổ chức cướp máy bay lần thứ hai. Tháng 11/2000, Lý Tống nhập cảnh vào Thái Lan, cướp máy bay bay về TP HCM rải truyền đơn phản động. Trở về Thái Lan, y đã bị nhà chức trách bắt giam trên đường quay về và bị tuyên phạt 11 năm 8 tháng tù, sau đó được giảm còn 7 năm 4 tháng. Tháng 10/2006, Lý Tống chấp hành xong án phạt tù và bị trục xuất về Mỹ.

Ngày 25/8/2008, Lý Tống đến Hàn Quốc gây ra vụ cướp máy bay không thành và bị bắt ở Hàn Quốc, khi y thực hiện ý đồ xâm nhập không phận nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Triều Tiên rải truyền đơn phản động.

Trong cộng đồng người Việt ở Mỹ, Lý Tống còn nổi đình, nổi đám với những chiêu theo đóm đám tàn quân khủng bố, phản động tấn công những hội đoàn người Việt không “ăn cánh” với bọn y. Chỉ tính riêng từ năm 2006 đến nay, y đã gây ra hơn 10 lần tấn công hội đoàn người Việt, như: vụ tấn công Nguyễn Xuân Ngãi, Nguyễn Sỹ Bình, Trần Mạnh Quỳnh, Khôi Nguyên, Đoan Trang… làm đau đầu cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Từ khi nảy sinh vụ án đến nay, một số phương tiện truyền thông nước Mỹ đưa tin cho rằng, hành động khủng bố của Lý Tống đã làm chia rẽ cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nước này. Ngoài bản chất khủng bố, Lý Tống còn là kẻ côn đồ vừa khùng, vừa điên. Ấy vậy nên, bà con Việt kiều chân chính khinh bỉ vẫn gọi Lý Tống là “anh khùng”

(Chuyên đề ANTG 978)
_________________________________________________________

Chuyện kỳ lạ về những người chết… sống lại

Đó là chuyện có thật 100% ở Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, hầu hết những người may mắn sống lại đều chết sau đó một thời gian ngắn. Cá biệt có người sống thêm vài chục năm…

“Cho tao xin điều thuốc lào”

Đó là câu nói đầu tiên khi “con ma” Nguyễn Thanh Hùng (SN 1973, phường 2, TP. Tân An, tỉnh Long An) ngồi dậy sau 6 giờ niệm. Câu chuyện thần bí này được gia đình anh Hùng kể lại như sau: Trung tuần tháng 4-2010, anh Hùng đi khám và phát hiện bị ung thư túi mật giai đoạn cuối, có dấu hiệu di căn sang một số bộ phận khác trong cơ thể. 1

7 giờ ngày 14-6-2010, sau bữa cơm chiều, bà Kim, mẹ anh Hùng phát hiện anh đã tắt thở. Anh Hùng được đưa lên bộ ván và che lại bằng một chiếc chăn, trên bụng để một nải chuối, trên đầu cúng bát cơm, trứng vịt, bụng niệm vải trắng để chờ vợ anh ở Vũng Tàu về nhìn mặt lần cuối.
6 tiếng sau, bất chợt Trí, em trai anh Hùng thấy tấm vải niệm động đậy. Dù đứng tim nhưng anh Trí cố dụi mắt nhìn. Bịch, nải chuối trên bụng anh Hùng lăn xuống đất. Anh Hùng ngồi dậy nhìn quanh và nói: “Cho tao xin điếu thuốc lào”. Sự việc khiến trẻ em chạy toán loạn… Đến ngày 15-7, anh Hùng mới chính thức qua đời.

Tại Khu tự trị Miêu tộc, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc có một bà lão ngoài lục tuần đã đột nhiên bước ra từ quan tài “trở về từ cõi chết” sau 16 giờ liệm. Vào khoảng 4g sáng ngày 14-1-2010, bà Hầu tắt thở sau một thời gian bị bệnh. Thấy cơ thể bà đã lạnh cứng và tim ngừng đập nên người nhà đã mặc áo quan cho bà, 18g chiều cùng ngày thì liệm.

Vào 20g cùng ngày, khi con trai, con dâu, bà con hàng xóm đứng gần quan tài bà, đột nhiên họ nghe thấy âm thanh “bịch bịch bịch”phát ra từ bên trong quan tài. Mọi người sợ hãi chạy ra khỏi nhà, người con trai lớn của bà lập tức mở nắp quan tài xem thì thấy mắt của bà Hầu mở to. Đến nay bà vẫn sống.

Người làng Trung Bính, xã Bảo Ninh, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cũng từng chứng kiến chuyện người chết sống lại.

Đó là bà Nguyễn Thị Kỳ (tên thường gọi là bà Táy). Bà sinh năm 1898. Năm 1950, sau hai tuần ốm nặng, không ăn uống gì, tim bà ngừng đập. Cả nhà khóc nức nở bên thi thể bà đã nằm bất động.

Ông Nguyễn Ty được phân công khâm liệm. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau khi bà chết, ông Nguyễn Ty ngồi bên bỗng nghe thấy tiếng kêu ú ớ và tờ giấy điều đắp trên mặt bà động đậy. Ông Ty tiến lại gần, giở tờ giấy điều thì thấy bà Kỳ mở mắt. Bà thều thào: “Cho tao chén nước, khát quá!”. Bà Kỳ đã sống được 31 năm nữa.

Chị Nguyễn Thị Bơ, vợ anh Đào Tiến Trung tại tiểu khu 3, phường Đồng Sơn, thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình kể lại: “Mẹ tôi là bà Phạm Thị Cháu, người làng Đồng Hải, thị xã Đồng Hới. Năm 1992, mẹ tôi bước vào tuổi 79 thì tắt thở, chân tay lạnh toát, hai mắt nhắm nghiền và tim ngừng đập. Một số người trong Hội Người cao tuổi đã đến cùng gia đình bàn soạn cho việc tang lễ. Mọi việc chuẩn bị chu đáo chờ tới giờ nhập quan thì bất ngờ mẹ tôi cựa mình sống lại”.

Bà Phạm Thị Cháu sống khỏe mạnh thêm 11 năm, hưởng thọ 90 tuổi.

Chết rồi lại… sống còn có cụ Trần Thị Ban ở tại thôn 2, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh; cụ Trần Cảnh cùng địa phương với cụ Ban nhưng ở thôn 3…

Sự thật?

Theo thông tin từ một số người chuyên bốc mồ mả, cải táng, họ nhiều lần phát hiện có các vết cào cấu bên trong quan tài, chứng tỏ không ít người chết chôn xuống đất đã sống lại. Một số người cho biết họ rất hay gặp hiện tượng bộ xương người chết nằm ở nhiều tư thế rất lạ, mặc dù khi được chôn người chết đều được đặt nằm ở tư thế thẳng, ngay ngắn. Phần lớn những trường hợp này xảy ra ở những người chết trẻ và chết đột ngột.
Trong y văn và trong lịch sử loài người, hiện tượng này xảy ra không phải là hiếm. Có những công trình đã công bố cho thấy, cứ 100.000 người chết thì có 1 người được cho là sống lại. Trong dân gian cũng truyền tụng rất nhiều câu chuyện về hiện tượng trên.

Một công trình nghiên cứu cho thấy, bản năng sinh tồn của con người là rất mạnh, nhiều khi nó giúp cơ thể vượt qua được những tình trạng thập tử nhất sinh. Hiện tượng này tạo ra một số hiệu ứng sinh học như con người có thể tỉnh lại, hiện tượng thần giao cách cảm v.v… Giống như ngọn nến sắp tắt, những đốm lửa cuối cùng cố gắng lóe sáng chiếu rọi cho cuộc đời một niềm tin vô tận vào sự bất diệt của muôn loài.

Theo các chuyên gia y học, có hai hình thái cơ bản của cái chết đó là chết lâm sàng và chết thực sự. Hiện tượng chết lâm sàng xảy ra khi bệnh nhân coi như đã lìa đời với nhịp tim không đếm được, không có hiện tượng hô hấp, có nghĩa là bệnh nhân không còn thở nữa. Nhưng hoạt động của não bộ vẫn còn, tương đồng với việc điện não đồ vẫn còn ghi nhận những sóng đặc trưng cho sự sống của con người.

Phần lớn những trường hợp gọi là người chết sống lại đều xảy ra ở những tình huống chết lâm sàng này. Còn những trường hợp chết thật sự là những cái chết được xác định rõ ràng bằng điện tim, điện não và các dấu hiệu sinh học khác và phải làm lại sau sáu giờ như luật pháp của một số nước tiên tiến quy định. Các xét nghiệm này đều cho thấy, thật sự người chết đã về cõi vĩnh hằng.

Để tránh hiện tượng hồi dương, các nước phát triển trên thế giới có những quy định rất chặt chẽ về việc xác định về cái chết của con người. Nhiều trường hợp phải có sự chứng kiến của những người đại diện cho pháp luật.

Việc người chết sống lại cũng là có thật, không phải chuyện mê tín dị đoan. Tuy nhiên chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ những người sau khi sống lại là thật sự sống, còn lại đều ra đi một thời gian ngắn sau đó…

(Theo PLXH)
______________________________________________

Dân chủ: Nhìn từ…một cuộc họp cơ quan

Trần Thị Trường (Nhà văn)

“Chúng ta phải thay đổi”, câu nói ấy không chỉ có từ người Mỹ với nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Cả thế giới muốn tồn tại phải thay đổi tư duy vì cuộc sống mỗi ngày mỗi vận động. Nếu tư duy con người không thay đổi, quốc gia sẽ mãi lẹt đẹt không đuổi kịp với sự vận động chung của nhân loại văn minh, phát triển.

Bè trên, bè giữa và bè…dưới!

Dân chủ là một khái niệm văn minh, rất cần cho sinh hoạt một xã hội phát triển và hội nhập. Nhưng nhiều năm trước đây, nó có vẻ như là một khái niệm suông, xa vời. Cứ nhìn cơ quan tôi thì thấy, mọi việc do người đứng đầu cơ quan quyết định hết thảy. Bắt đầu từ cuộc họp thứ hai đầu tuần. Ông nói hết 3/4 thời gian. Xong. Ông nhắc Chủ tịch Công đoàn nói những điều bổ sung (thực chất là kế hoạch triển khai những điều ông vừa nói). Tiếp đến Bí thư Đoàn, người “hô” ba khẩu hiệu nhỏ, một là: “Thanh niên xung kích đi đầu”, hai “Không ngại khó khăn gian khổ”, ba: “Quyết hoàn thành nhiệm vụ”.
Thời gian đầu, chúng tôi còn đề nghị được phát biểu, vì những điều thủ trưởng cơ quan nói có nhiều chỗ hay nhưng không hợp lý, không khả thi ở một số điểm. Nhưng sau thì tuyệt nhiên không thể, bởi ý kiến của chúng tôi luôn bị cắt vì…hết giờ.

Ngoài ra thủ trưởng còn tỏ ý không bằng lòng, ông tỏ cho chúng tôi hiểu: “Các anh chị không phải là cán bộ nòng cốt, ý kiến của các anh chị chẳng phải điều tôi quan tâm. Và dù thế nào đi nữa các anh chị cũng chỉ là thiểu số trong cơ quan. Chẳng có gì khác được, chỉ có chấp hành thôi. Chấp hành là trên hết”.

Không phản đối nhưng thực ra, mọi người chỉ làm cầm chừng, không để thủ trưởng bắt bẻ về kỷ luật lao động chứ không hăng hái. Mấy đảng viên, đoàn viên hăng hái thì những gì làm ra lại chẳng có mấy giá trị nào. Cuối năm, bình bầu danh hiệu, cũng chỉ có thủ trưởng nói trước, mấy người kia nói sau rồi bỏ phiếu bình bầu.

Tuy là bỏ phiếu kín nhưng thực ra thì “hở ơi là hở”, vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có ngần ấy người, phiếu nào của ai biết ngay. Vẫn những người không hiệu quả kia lại ở chức vụ cao, giữ những trọng trách và như thế cơ quan bao giờ cũng có ba bè.

Bè giữa lấy lòng hai bè kia mỗi nơi một ít hoặc im lặng, mặc kệ mọi chuyện. Bè dưới đáy biến những chuyện nghiêm chỉnh thành câu hài hước, có người còn viết hẳn thành bài vè nhưng cũng chỉ để đọc cho nhau nghe. Thi thoảng bài vè và những câu chỉ trích, hài hước cũng lọt đến tai bè kia nhờ vào sự đưa tin của bè giữa. Những người bè dưới càng bị bè trên “săm soi”.

15 năm qua đi, cơ quan của tôi vẫn đứng dưới mức trung bình trong cộng đồng các cơ quan sản xuất những sản phẩm mang tính sáng tạo. Thương hiệu không có, nói đúng hơn, nhắc đến thương hiệu cơ quan mà mỗi cá nhân ở đó cũng cảm thấy xấu hổ, kể cả thủ trưởng.

Sản phẩm của cơ quan do ông phụ trách cũng chẳng bao giờ có mặt trong các cuộc thi, trong đời sống xã hội. Bây giờ, ông về hưu, một người khác về thay ông cũng lại giống ông, cơ quan cũng chẳng khá hơn chút nào.

Vì cán bộ dưới quyền đã quen với cung cách làm việc của thủ trưởng cũ? Hay vì thủ trưởng mới vẫn là người của cung cách làm việc cũ, không có năng lực, chỉ có lòng trung thành chung chung, những trang lý lịch hợp với quan niệm nhân sự của tổ chức?

Sở dĩ tôi nghĩ thế bởi hầu hết trong số những người có khả năng nêu ý kiến trong cuộc họp, có khả năng tạo ra những sản phẩm hữu ích, có giá trị đều là những người bị thủ trưởng và những ban bệ của thủ trưởng ghét- sợ- không ưa. Khi họ bị dồn tới cùng, chuyển đi nơi khác họ đều thành danh, được trọng dụng.

Dân chủ- bắt đầu từ chọn nhân sự một cách…dân chủ

Làm thế nào để khắc phục tình trạng đó? Làm thế nào để những người có khả năng phát huy được chính cái khả năng ấy trong đội ngũ. Điều hiển nhiên là người đứng đầu phải biết sử dụng, động viên cái khả năng đó. Lắng nghe họ không có nghĩa là thua kém họ, càng không có nghĩa là chia sẻ quyền lãnh đạo với họ.

Mà có chia sẻ thì đã sao nếu cơ quan có một hiệu quả chung to lớn, nhờ vào những ý kiến phản biện và năng lực cùng trách nhiệm đóng góp của họ? Nói thì nhẹ vậy, nhưng đây hẳn là một cuộc cách mạng thay đổi tư duy chứ chẳng đơn giản chút nào.

Trong thực tế, nhiều người ít khả năng đã chọn con đường “chạy chức” thay cho việc trau dồi kiến thức. Chạy được chức rồi, vì không có khả năng điều hành nên phải cậy đến những “miếng võ truyền thống” để giữ chức, khiến cho cơ quan trở nên trì trệ hoặc rối loạn.

Thay đổi điều đó trước hết phải thay đổi cách chọn nhân sự. Chọn nhân sự nếu không dựa vào dân chủ thì lại rơi vào cách chọn cũ. Phương thức cao nhất của dân chủ là thi tuyển. Cơ quan chủ quản của tôi cũng đã tổ chức những cuộc thi tuyển công chức và các lãnh đạo phòng ban. Nhưng chỉ là hình thức.

Người đi thi mang “phao” vào phòng thi. Ban giám khảo lại là những người tư duy cũ, trình độ thậm chí không bằng những công chức giỏi tham dự cuộc thi. Cuối cùng tất cả đều đỗ và mọi sự vẫn đâu vào đấy, vì những người giỏi tất nhiên họ không trượt, người kém lẽ ra phải trượt thì đã có giám khảo đỡ hoặc có “phao” cứu hộ.

“Chúng ta phải thay đổi”, câu nói ấy không chỉ có từ người Mỹ với nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Cả thế giới muốn tồn tại phải thay đổi tư duy vì cuộc sống mỗi ngày mỗi vận động. Nếu tư duy con người không thay đổi, quốc gia sẽ mãi lẹt đẹt không đuổi kịp với sự vận động chung của nhân loại văn minh, phát triển.

Thủ trưởng của tôi cũng đã nghĩ như chúng tôi. Nhưng ông ấy không thay đổi được, bởi vì trên thực tế, sự thay đổi thật tâm đòi hỏi người ta phải nghiêm cẩn suy tư và tích cực hành động mỗi ngày. Khi suy tư nghiêm cẩn người ta sẽ thấy sự bảo thủ dẫn đến trì trệ, hành động không kịp thời dẫn đến thói thờ ơ, vô đạo đức trên diện rộng và dĩ nhiên sẽ còn một bộ phận có cái nhìn coi thường cái sự bảo thủ ấy. Thế là sự chia rẽ xẩy ra. Cuối cùng là tồn tại một tập thể ba bè bẩy mối, làm việc ít hiệu quả.

Giá như cơ quan tôi áp dụng dân chủ, coi dân chủ là ưu tiên số 1 để chọn nhân sự. Không nên căn cứ vào lý lịch, chỉ căn cứ vào lòng yêu nước, chí khí phục hưng dân tộc và khả năng điều hành tập thể, bên cạnh năng lực cá nhân (điều này rất dễ nhận thấy nếu có một cơ chế thông thoáng, cởi mở.

Dân chủ cũng là chấp nhận tiếng nói khác mình, cùng tiếng nói khác ấy tìm ra một điểm chung, ngõ hầu đưa dân tộc đi đúng quy luật, tạo sức đột phá, để phát triển. Không coi tiếng nói khác mình là tiếng của kẻ không trung thành, bởi như vậy là mất đi sự hợp lực cần thiết. Dân chủ ở đây còn là lòng tin đối với người khác của kẻ mạnh.

_________________________________________________________