Dân công sở vật lộn kiếm thêm

Làm 8 tiếng ở cơ quan vẫn không đủ sống, nhiều người phải xoay vần làm thêm bằng đủ mọi cách để trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng leo thang.

Là kế toán trưởng tại một công ty xây dựng khá lớn, chị Thương (Thái Hà- Hà Nội) vẫn không đủ tiêu với mức lương chưa đến 11 triệu đồng. “Lương tháng nào hết tháng đó, có lúc còn âm, phải rút sổ tiết kiệm ra dùng dần. Gần đây xăng tăng giá, mọi thứ khác cũng đắt lên nên cuộc sống gia đình ngày càng chật vật”, chị cho biết.
Tuy có hai con nhỏ luôn cần mẹ dành thời gian chăm sóc, chị quyết định vẫn phải tìm cách kiếm thêm đồng ra đồng vào. Nghĩ là làm, mới đây chị bắt đầu nhận làm sổ sách kế toán, kê khai thuế hàng tháng cho hai công ty quen. “Các công ty nhỏ mới thành lập thường chọn cách thuê kế toán ngoài để tiết kiệm chi phí vì công việc cũng không có gì nhiều. Còn mình cũng có lợi vì một lúc có thể làm cho nhiều nơi, mỗi tháng có thêm ít nhất 2 triệu đồng, đủ tiền sữa bỉm cho các con”, chị Thương phấn khởi nói.
Mặc dù vậy, chị thừa nhận cũng đã phải đánh đổi nhiều khi nhận việc làm thêm: “Sau khi đi làm cả ngày, ai cũng chỉ mong buổi tối về để chơi với các con, dạy con học bài. Nhưng bây giờ ở nhà tối, cứ tối đến là mẹ cặm cụi trong phòng làm việc, các con phải giao cho bố hoặc tự quản nhau, có lúc con đi ngủ rồi mà mẹ vẫn chưa làm xong”.
Trong khi chị Thương có chuyên môn về kế toán, Thanh Huyền, một giảng viên tại trường Đại học Quốc gia lại dùng vốn ngoại ngữ để kiếm thêm.
Là giảng viên, mỗi tuần chị lên lớp chục giờ đồng hồ. Thời gian còn lại, chị dành phần lớn cho việc dịch tài liệu. “Ban đầu khi mới làm, tôi chỉ nhận vài tài liệu mỗi tuần, sau khách hàng giới thiệu cho nhau nhiều nên khối lượng công việc ngày càng lớn, thu nhập cũng tăng dần”, chị Huyền nói. Hiện nay, thù lao của chị là 25.000 đến 60.000 đồng mỗi trang dịch, tùy thuộc độ khó của tài liệu. Những lúc công việc nhiều không xuể, chị lại “chia” cho các sinh viên dịch giúp rồi trả công tương xứng.
Ngoài ra, thỉnh thoảng chị lại đi phiên dịch cho các dự án nước ngoài, với thù lao cao hơn nhiều nhưng không thường xuyên. Thu nhập từ làm ngoài của chị bây giờ cao gấp 3, gấp 4 lần đồng lương đứng lớp. Nhưng đổi lại, chị Huyền cho biết do làm lụng nhiều quá nên không có thời gian kiếm chồng. “Ngày xưa thời sau bao cấp, bố mẹ tôi là giáo viên cũng phải xoay vần ngoài chợ mới đủ sống. Bây giờ đến thế hệ tôi cũng chưa thoát cảnh phải chạy vạy mưu sinh”, chị thở dài nhận xét.
Người có chuyên môn làm thêm đã khó, những người không có chuyên môn gì càng khó hơn. Như Thu Thủy, nhân viên hành chính của một cơ quan nhà nước đã chọn “nghề” nhập liệu online. Tuy là công việc đơn giản, không cần phải suy nghĩ gì nhưng nghề này lại rất vất vả. Cứ 10 người làm thì phải đến 9 bỏ cuộc. Khi nhập liệu, người làm phải căng mắt, nhanh tay gõ những ký tự xuất hiện liên tục trên màn hình. Kể cả khi thành thạo, mỗi tiếng đồng hồ làm việc cũng chỉ đem lại 15.000 đến 17.000 đồng.
Hiện nay, cứ sau mỗi ngày đi làm về, Thủy phải dành hết thời gian buổi tối “thiền” trước màn hình vi tính để làm việc. Nhiều khi cô lén lút “tham nhũng” cả giờ hành chính ban ngày để làm thêm cho đủ số lượng. Những tháng nào làm đều đặn và chăm chỉ, cô có thể kiếm được hơn 2 triệu đồng.
“Muốn đi buôn thì phải có vốn, còn muốn làm thêm nghề khác thì phải có chuyên môn. Mình không có chuyên môn gì nhưng với cái cảnh bão giá từng ngày thế này, thì ‘đầu gối cũng phải bò thôi'”, Thủy thở than.

theo Thanh Bình
_____________________________________________________

Vụ án Vinashin: Tòa tuyên án

– Chiều 30.3, sau 4 ngày xét xử, Hội đồng xét xử Toà án nhân dân TP.Hải Phòng đã tuyên án đối với 9 bị cáo trong vụ án Cố ý làm trái xảy ra tại tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam – Vinashin.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt: bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch tập đoàn Vinashin mức án 20 năm tù giam vì có nhiều sai phạm trong dự án mua tàu Hoa Sen, dự án nhà máy nhiệt điện Cái Lân, dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng.
Bị cáo Trần Văn Liêm (nguyên tổng giám đốc công ty Viễn Dương Vinashin): 19 năm tù giam vì sai phạm trong dự án mua tàu Hoa Sen.
Bị cáo Tô Nghiêm (nguyên giám đốc công ty công nghiệp tàu thủy Cái Lân): 18 năm tù giam vì sai phạm trong dự án đã mua nhà máy nhiệt điện chạy dầu diesel cũ, lắp tại Cái Lân, ký nhận bàn giao khi dự án chưa hoàn thành.
Bị cáo Nguyễn Văn Tuyên (nguyên giám đốc xông ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh): 16 năm tù giam, vì đã triển khai dự án nhiệt điện Sông Hồng mà không làm thiết kế kỹ thuật xin ý kiến các cơ quan chức năng, làm giả hồ sơ để vay tiền từ Vinashin…
Bị cáo Trịnh Thị Hậu (khi phạm tội là phó tổng giám đốc công ty tài chính Vinashin – VFC): 16 năm tù giam vì đã giải ngân trái quy định, cho vay không thẩm định dự án trong một số dự án như nhiệt điện Sông Hồng, dự án đầu tư tàu Bình Định Star…
Bị cáo Hoàng Gia Hiệp (phó tổng giám đốc VFC): 12 năm tù giam vì đã triển khai giải ngân, cho vay không đúng quy định trong dự án mua tàu Hoa Sen.
Bị cáo Trần Quang Vũ (chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty Nam Triệu): 11 năm tù giam vì đã bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang trái quy định.
Bị cáo Đỗ Đình Côn (kế toán trưởng công ty cổ phần CNTT Hoàng Anh): 10 năm tù giam vì đã tiếp tay cho Nguyễn Văn Tuyên, giám đốc công ty Hoàng Anh triển khai dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, làm giả chứng từ vay vốn của Vinashin.
Cả 8 bị cáo nêu trên đều bị truy tố theo khoản 3 tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng bị cáo Nguyễn Tuấn Dương, nguyên chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư Cửu Long được thay đổi tội danh từ khoản 3 tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng (khung hình phạt 10-20 năm tù giam) sang tội sử dụng trái phép tài sản, bị tuyên phạt mức án 3 năm tù giam.
Ngoài mức án nêu trên, các bị cáo còn phải liên đới bồi thường tổng số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng do những thiệt hại mà mình gây ra.

T.H
___________________________________________________________

Sự giàu có và văn hóa khoe của

Tiến sĩ Lê Kiên Thành, người sáng lập Ngân hàng Techcombank chia sẻ góc nhìn về câu chuyện nhà giàu và hiện tượng phô trương, khoe của.

Là con trai của cố Tổng bí thư Lê Duẩn, Tiến sĩ vật lý Lê Kiên Thành được biết đến như người sáng lập ra ngân hàng Techcombank, rồi rời khỏi ngân hàng. Ông Thành hiện là chủ doanh nghiệp tư nhân Thái Minh, và là thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Tiến sĩ Lê Kiên Thành chia sẻ góc nhìn khá thú vị về mối liên hệ giữa văn hóa và sự giàu có từ những vụ phô trương, khoe của thời gian gần đây.

Thói quen xấu trong xài tiền

Ông là một trong những doanh nhân thích xe xịn và chơi xe xịn, như chiếc xe Bentley mà ông từng sở hữu có giá nhiều tỷ đồng, nhưng hình như ít người biết ông chơi xe xịn. Còn một số người khác thì luôn được báo chí “update” về xe cộ mà họ sở hữu? Vì sao vậy? Họ thích khoe hay báo chí “lắm chuyện”?

Chúng ta nhìn tài sản theo một góc độ nào? Khi nói đến một ai đó nổi tiếng mua một chiếc xe xịn thì đúng là đập vào mắt người ta ngay, lỗi ở người làm báo khi muốn độc giả chú ý vào việc đó. Có ai hiểu rằng dù một chiếc xe xịn đến cả triệu đô-la đi nữa thì tiền mua chiếc xe ấy với chủ nhân của nó chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tài sản mà họ sở hữu không?
Thế nhưng sự thật là ở xã hội ta có quá nhiều người sẵn sàng bỏ nửa tài sản ra mua một chiếc xe máy thì không bị nhắc tới. Mà chuyện này ở nông thôn nước ta rất nhiều và người ta chấp nhận chuyện đó. Báo chí đăng tin về những đám cưới nhiều xe sang của nhà giàu như một sự phô trương xa hoa, vậy báo chí có quan tâm đến những đám cưới cả tuần lễ ở quê, để rồi sau đám cưới, cả nhà dâu rể còng lưng làm trả nợ? Số tiền cho đám cưới quê ấy nghe thì có vẻ không nhiều, nhưng lại quá lớn với thu nhập với cuộc sống của những người dân này.
Đây chính là một thói quen xài tiền xấu, sự sĩ diện không cần thiết để được thỏa mãn sự “chịu chơi”, sự khoe khoang. Mà cái này đâu chỉ nằm ở giới nhà giàu? Dường như nó nằm đâu đó sâu xa trong dân tộc tính của mình mà nếu không thay đổi, không định hướng đúng thì thói quen ấy sẽ hủy hoại chúng ta. Xã hội đang cần một văn hóa sống lành mạnh, lành mạnh cho cả người giàu và người nghèo.

Sự giấu giàu “lố” hơn cả sự phô trương

Vậy đồng tiền được sử dụng đúng nhất vào việc gì, khi mà chúng ta đang sống trong một xã hội với sự phân cấp giàu nghèo khá lớn? Ông đi một chiếc xe đắt tiền và còn vô số đồng bào của ông đang sống dưới mức nghèo khổ? Doanh nhân có trách nhiệm gì không?

Trước đây chúng ta yên tâm với một xã hội cùng nghèo. Thế nhưng ở một xã hội phát triển văn minh, thì một tầng lớp người giàu lên nhanh, kéo theo sự phát triển mạnh của xã hội. Khi đó khoảng cách giữa người giàu và người nghèo nhất là cực lớn, những tầng lớp trung gian lại rất rộng, lớn hơn rất nhiều thì khoảng cách đó vẫn chấp nhận được. Còn hơn là chúng ta cùng nghèo! Nếu so người giàu nhất nước Mỹ với người nghèo nhất thì khủng khiếp lắm, nhưng sự phân hóa đó lại giúp tạo ra khoảng giữa vô cùng lớn cũng như giúp chính phủ Mỹ khả năng trợ cấp cho người nghèo.
Xã hội bứt lên được thì không thể từ từ cùng tiến, nó phải chấp nhận có một số người bứt lên vì trí tuệ, vì năng lực và vì may mắn nữa, những người đó sẽ kéo theo công ăn việc làm, tạo thành sự phát triển rất mạnh của xã hội. Giống như nước ở trên cao thì đổ xuống thì tạo ra điện năng lớn chứ không thể có điện năng từ dòng nước chảy lờ đờ… Tất nhiên, nói một cách lý tưởng thì chúng ta không chấp nhận những người giàu lên bằng mọi cách, dẫm lên, chèn ép, đạp đổ hay thậm chí tiêu diệt người khác để làm giàu.

Làm giàu không có gì xấu, làm giàu là yêu nước mà. Nhưng sự phô trương giàu sang đến mức “lố” có xấu không theo ông?

Tôi nghĩ sự “giấu giàu” của một số quan chức nước ta hiện tại lại “lố” hơn cả sự phô trương. Xã hội rất dễ khó chịu trước một doanh nhân đi đánh golf nhưng một quan chức uống chai rượu vài chục triệu đồng thì lại rất dễ được bỏ qua. Doanh nhân thì khó giấu cái giàu, nhưng quan chức thì giấu giàu giỏi lắm! Không nên và không phải đổ lỗi cho chiến tranh nhưng thực sự chúng ta mới chỉ làm quen với đời sống kinh tế thị trường hơn chục năm trở lại đây. Khoảng thời gian đó chưa đủ để chúng ta làm quen và tạo ra một văn hóa kinh doanh, văn hóa sống đúng nghĩa. Sự giàu có không sinh ra văn hóa, đáng tiếc, nhưng đó là sự thật.

Những méo mó trong xã hội lệch chuẩn

Thì cũng khoảng thời gian đó doanh nhân cũng đã có một vị trí mới, có ngày tôn vinh dành riêng cho họ. Nhưng hào quang của doanh nhân đến hôm nay có đủ át đi những hành xử nhiều phần vô lý từ việc làm đại gia mà trả con dâu vì nghi mất trinh đến một doanh nhân khác nợ thuế nhà nước cả mấy trăm tỷ đồng?

Thực ra mình không phải là họ nên chưa chắc đã hiểu hết họ để nói về họ hoặc phán xét. Doanh nhân cũng là con người và chuyện làm ăn của họ cũng có những bước thăng trầm mà không phải ai cũng biết. Khi dồn vốn cho một dự án nào đó, doanh nghiệp có thể sẽ gặp chuyện thiếu vốn, phân tán vốn một thời gian.
Tất nhiên đã là hành vi xấu thì ở cấp độ nào cũng xấu, nợ một triệu đồng tiền thuế hay nhiều tỷ đồng tiền thuế về bản chất là như nhau. Cô nói xã hội tôn trọng doanh nhân, nhưng thử nhìn xem, phim ảnh, sách báo doanh nhân có một vị trí như thế nào? Hay đa số hình ảnh của họ là béo hú, bia ôm gái gú, xấu xa? Sao ít người biết doanh nhân cũng nhọc nhằn gầy dựng cơ nghiệp từ số không thế nào, khi thành công thì chia sẻ gánh vác ra sao?
Khác chăng khi anh ở trên cao, cái xấu nếu có cũng dễ bị nhận diện còn ở dưới thấp, cái xấu ấy cũng nhòa đi, đôi khi lẫn vào cái xấu chung của mọi người. Nếu chúng ta muốn chống lại cái xấu, cái tiêu cực thì phải chống ở mọi tầng lớp chứ không phải nhằm vào con số tối thiểu dễ nhận diện kia…

Ông bênh doanh nhân quá nhiều, nhưng ông thử đứng ra bên ngoài và đánh giá xem cái nhìn méo mó về doanh nhân VN hiện tại có phải lỗi hoàn toàn thuộc về dư luận không?

Tôi nói thật, so với thế giới, doanh nhân và kinh tế VN còn đơn sơ lắm. Phải thừa nhận rằng khi nói đến một doanh nhân Việt ít người cảm thấy nể phục. Tại sao ư? Doanh nhân nước ngoài, ví dụ như Bill Gates, khi ông ấy giàu thì gắn liền với công việc kinh doanh của ông ấy, mỗi sản phẩm ông ấy đưa ra cho xã hội luôn có một triết lý mới, một cái nhìn mới cho cuộc sống. Sản phẩm của những người như Bill Gates góp phần phá vỡ những quan niệm cũ, đẩy xã hội đi lên. Đâu phải ngẫu nhiên Bill Gates đến đâu cũng được các nguyên thủ quốc gia đón tiếp trọng thị? Không phải chỉ vì ông ấy giàu mà bởi ông ấy là một con người đặc biệt, giàu chỉ là một hệ quả của sự đặc biệt ấy mà thôi.
Sự đặc biệt ấy lại phản ánh tích cực vào sự phát triển của đất nước họ, mà trên thế giới có nhiều doanh nhân như thế ở cấp độ khác nhau. Doanh nhân Việt thiếu hẳn phẩm chất đó. Giàu ở ta hơi dễ, chỉ đi trước một bước đã giàu rồi, chứ không phải giàu từ những sự sáng tạo ghê gớm, ảnh hưởng lớn như đế chế của Apple hay Microsoft. Thế thì không khó hiểu khi ở ta, một doanh nhân giàu chỉ được trầm trồ vì giàu hơn người khác chứ không phải trầm trồ là vì tài trí, vì đức độ. Đó là cái méo mó, nhưng xã hội ta hiện tại lại có không ít cái méo mó như hình ảnh thầy thuốc và nhà giáo hiện nay chẳng hạn. Và chưa biết hình ảnh nào méo mó hơn trong một xã hội lệch chuẩn như hiện tại.

Xin cảm ơn ông!

Viên Thông (thực hiện)
_____________________________________________________

Hậu kỳ vụ án mua dâm học sinh

Hai năm qua, kể từ khi sự việc Hiệu trưởng mua dâm học sinh bị phát giác, rồi cho đến lúc phải ra đứng trước vành móng ngựa, bị cáo – rồi phạm nhân Sầm Đức Xương chưa từng một lần trải lòng với ai về những tháng ngày ô nhục trong quá khứ của mình. Ra tòa chỉ “cãi chày cái cối”, trước những câu hỏi của điều tra viên thì nhiều khi im lặng lảnh tránh…

Không còn tránh né máy ảnh như những ngày xử án, phạm nhân Xương giờ ngồi trước máy ảnh vẫn giữ thái độ điềm tĩnh, không có ý định né tránh mà còn rất vui vẻ…

Trong tù vẫn dạy học

Phạm nhân Sầm Đức Xương thấp thỏm từng bước chân lặng lẽ đi vào phòng. Trái ngược hẳn mường tượng ban đầu của phóng viên về một Sầm Đức Xương sẽ ủ rũ, u sầu và khuôn mặt nặng nề, hay chí ít cũng râu ria xồm xoàm; cựu Hiệu trưởng mua dâm có diện mạo mày râu nhẵn nhụi, khuôn mặt từng méo xẹo trước vành móng ngựa hôm nào nay tròn trịa hơn và toát lên vẻ rất “vượng”. Ánh mắt cũng không còn đăm đăm cau có như ngày xưa trước ống kính phóng viên dự tòa. Phạm nhân Xương còn chủ động bắt tay phóng viên và miệng thì nở một nụ cười đầy thân thiện.
Thời gian đầu thụ án thường xuyên cáu bẳn, từng có lúc đấm sưng mồm một bạn tù vì người này dám gọi Xương là anh, bắt những bạn tù ít tuổi hơn mình phải gọi là “bố”, thời gian gần đây xin mở lớp xóa mù chữ cho phạm nhân trong trại… Nhận xét chung: Đã bắt đầu có chiều hướng cải tạo tích cực.
Ông Xương cho biết ông bị huyết áp thấp và bệnh tiểu đường đã lâu nên sức khỏe vốn luôn có vấn đề. Nhưng giờ ông tích cực cải tạo tốt, tinh thần cũng thỏa mái, ăn ngủ, lao động điều độ nên khỏe hơn trước nhiều rồi. Thi thoảng cũng tụt huyết áp, hoa mày chóng mặt nhưng chỉ cần ngậm vài viên kẹo là ổn ngay.
Điều bất ngờ là trong tù ông lại được dạy học. Ban giám thị phân công ông đứng lớp mỗi buổi một tuần lớp xóa mù chữ cho phạm nhân trong trại. Có cả những phạm nhân tuổi mới đôi mươi, có người lại hơn cả tuổi ông. Phần lớn học viên là người dân tộc Mông. ở tận rẻo cao nên mù chữ. Giờ ông lại được đứng bục giảng, cầm viên phấn như những ngày trước nên thấy rất vui, phấn khởi lắm, trong lòng cứ như thấy phơi phới trở lại.
Ông đứng lớp, theo ông, cũng nhờ sự quan tâm, động viên rất lớn từ cán bộ quản giáo trại đã tạo điều kiện. Nhìn vào quá khứ và lỗi lầm của bản thân, đã có lúc ông ái ngại vì sợ rằng sẽ không được học sinh tôn trọng, thậm chí khinh rẻ mình. Nhưng dạy rồi ông mới thấy ai cũng chăm chỉ học tập và tôn trọng mình. Đã có lúc trong giờ ra chơi, nhiều em học sinh thẳng thắn nói họ đã đọc báo nên biết chuyện của ông. Nhưng thay vì thái độ coi thường, họ thể hiện sự tôn trọng với ông bằng việc không bao giờ nhắc đến chuyện cũ trong giờ học, thay bằng đó là thái độ nhiệt thành học tập. Không những vậy, họ quay lại động viên ông không ít.
Ông nói ông vui lắm, vì đó là một động lực để mình sống tốt hơn. Không phải học viên nào cũng tiếp thu được bài giảng, có những kiến thức mình tưởng chừng không thể chuyển tải thế nào cho họ hiểu, rồi lâu ngày không đứng lớp nên nghiệp vụ sư phạm cũng rơi rụng nhiều… Nhưng rồi tự dưng nhìn những con người ấy, ông lại tự nhủ bản thân mình còn có lúc mang tiếng nhơ, những con người này nếu không được học tập, giáo dục chắc sẽ lại phạm tội nên mình phải cố gắng dạy họ cho thật tốt.
Ngày xưa ông từng có thành tích phối hợp với ban ngành đoàn thể trong trường và địa phương ngăn chặn nạn hút chích trong học sinh. Rồi chuyện nữ sinh ở trường tôi đi bán dâm, ông cũng thấy ức lắm. Ông từng họp giáo viên, phát động học sinh toàn trường kiên quyết đấu tranh với suy đồi đạo đức. Ông không cho học sinh mang điện thoại di động vào trường thì các em vẫn lén lút. Có em còn đi theo trai, bỏ học cả tuần ngủ ở khách sạn trên huyện, lại còn lôi kéo em khác….
Ngoài niềm vui được đứng lớp, ông cũng tham gia một lớp mây tre đan. Giờ tuổi cũng đã cao, mắt mờ tay mỏi nhưng ông vẫn cố gắng tham gia vì nghĩ đó cũng là một nghề nên tranh thủ học. Biết đâu sau này nó sẽ là nghề kiếm cơm nuôi mình.

Hệ lụy gia đình

Khi vụ việc mới bị phát giác, ông thấy nhục nhã và xấu hổ với gia đình, bạn bè lắm, thế nên mới một mực kêu oan; tâm lý suy sụp, tinh thần thì bấn loạn. Chẳng hiểu sao dịp Tết vừa qua vì cáu bẳn điều gì mà ông lại chửi bới rồi đánh bị thương một anh bạn tù. Còn về việc bắt nạn nhân gọi mình là “bố” thì theo ông chẳng có gì sai. Các phạm nhân trẻ tuổi, chỉ bằng con ông thì sao có thể gọi ông là anh được?
Ông thấy xấu hổ với gia đình, chỉ vì việc của tôi mà kinh tế gia đình kiệt quệ. Bốn lần phúc thẩm, tiền chạy vạy, thuê luật sư cũng tốn kém lắm. Nhưng thương nhất là hai đứa con. Đứa lớn đang theo dở Đại học Sư Phạm 1 Hà Nội định sẽ nối nghiệp gia đình, nay vì chuyện của ông mà bỏ học giữa chừng. Nghe tin con như vậy, ông như chết điếng vì cứ nghĩ đơn giản “ai làm người đó chịu”, nào ngờ cháu nó chắc vì vừa xấu hổ, vừa khó khăn về kinh tế nên “đứt gánh giữa chừng” chuyện học hành. Rồi cháu thứ hai đang theo học ngành kiến trúc nghe nói cũng tốn kém tiền triệu mỗi tuần. Gia đình ông chỉ làm nghề giáo viên đơn thuần, bố mẹ không để lại gia tài gì đáng giá nên cũng chật vật lắm. Ông đã nhiều lần khuyên vợ bán đi ngôi nhà đang ở để lo tiền ăn học cho các con, lo cho tương lại của chúng. Sau đó, sẽ đi mua nhà ở chỗ nào hẻo lánh hơn hay thuê nhà ở tạm cũng được. Đợi mãn hạn tù, vợ chồng ông sẽ làm lại từ đầu.
Cực nhất là đợt vừa rồi, vợ ông có làm đơn xin vay tiền theo chế độ chính sách cho sinh viên nghèo đi học nhưng địa phương không chấp thuận chỉ vì chuyện của ông. Càng nghĩ ông lại càng thương con.
Đều đặn hàng tháng, vợ con ông đều vượt 200 cây số đi xe máy đến thăm hỏi động viên ông.

Lời thừa nhận tội lỗi

Giờ ông đang cải tạo tốt và cảm thấy bản án dành cho mình là thích đáng.
Ông cảm thấy hối tiếc là việc mình làm để lại tiếng xấu cho các thầy cô giáo đồng nghiệp cũ. Đúng là trong thời kỳ còn đương chức ông đã làm không đến nơi đến chốn. Giờ nghĩ lại, chỉ muốn nhắn nhủ những thầy cô khác hãy đừng giống như ông mà hãy kiên định lập trường tư tưởng vững vàng.
Ông cũng biết giờ đây mình không đủ tư cách để răn dạy ai, nhưng là một người thầy đã từng lạc lối thì ông vẫn muốn gửi lời nhắn nhủ với tất cả những em học sinh, ngoài việc chú tâm học tập thật tốt thì hãy cố gắng tu dưỡng đạo đức và nhân cách sống trước vô vàn những mặt trái của xã hội như trò chơi bạo lực, game online, yêu đương quá sớm… rồi tự đánh mất tương lai.
Vui nhất là có lúc đồng nghiệp cũ lên thăm. Họ có động viên ông thế này: “Đồng nghiệp và học sinh ở trường vẫn nhớ tới thầy”. Dù biết là họ chỉ nói cho mình vui lòng nhưng thực tình ông vẫn thấy cảm động. Đó chính là những động lực khiến ông toàn tâm toàn ý cải tạo để mong sớm về đoàn tụ gia đình. Ông đã thầm nhủ sau này khi ra tù, ông sẽ kiếm một việc làm chân chính kiếm tiền nuôi bản thân khi về già và phụ đỡ gia đình. Ông sẽ làm lại từ đầu để trở thành một người lương thiện.
Ông có niềm tin rằng mình hoàn lương bằng sự chân thật của bản thân mình, rồi mọi người sẽ hiểu và thông cảm cho ông thôi. Ông tin mọi người sẽ mở lòng khoan dung sâu sắc.
Ông cũng không còn mong muốn điều gì hơn. Được các bạn tù thương yêu và các cán bộ trại giam quan tâm như vậy là tốt lắm rồi.
Ông mong nhà báo nhắn giúp vợ mang cho tôi cái kính những lúc thư thả tôi sẽ đọc báo, soạn bài. Giờ mắt tôi đã mờ, muốn làm việc gì mà không có kính thì khó lắm.

Theo Pháp luật & Thời đại
____________________________________________________________

Thương chị, em tự nguyện làm lẽ

Thương chị gái lấy chồng cả chục năm mà vẫn chưa sinh được một mụn con, cô em ruột nhận lời về làm lẽ chồng chị. Ngót nửa thế kỷ, ba con người ấy đã cùng nhau bước qua những tháng ngày gian khó, viết lên câu chuyện về tình yêu, tình chị em, nghĩa vợ chồng đẹp như trong cổ tích.

Về làng Thanh Liễu, xã Tân Hưng, TP Hải Dương, hỏi chuyện nhà ông Canh – bà Tư – bà Lừng hầu như ai cũng biết và đều có thể kể vanh vách cho tôi câu chuyện của họ. Dường như, đối với người dân nơi đây, câu chuyện về gia đình họ không chỉ “lạ” mà còn là biểu tượng của tình yêu thương, đức hy sinh, lòng vị tha mà họ dành cho nhau.

Ông Nguyễn Hữu Canh giờ đã bước sang tuổi 82, tiếp chúng tôi với nụ cười hồn hậu. Mấy năm nay, ông mắc chứng ngãng tai, lúc nhớ lúc quên. Thế nhưng, ông bảo, “gì chứ chuyện lấy hai bà vợ, làm sao mà tôi quên được”.

Ông Canh lập gia đình với bà Đinh Thị Tư từ năm 1948. Ngày ấy, bố mẹ mai mối chứ không tìm hiểu nhau. Chọn đúng ngày lành tháng tốt, bố mẹ ông sửa soạn mâm cau trầu sang nhà gái dẫn lễ. Cưới vợ được hai năm, ông Canh nhập ngũ, chiến đấu ở chiến trường Tây Bắc, để lại người vợ trẻ vò võ nơi quê nhà. Tám năm trong quân ngũ, chỉ có một lần ông được về thăm vợ là sau giải phóng Điện Biên. Thế nhưng, ngần ấy thời gian dường như vẫn chưa đủ để vợ chồng trẻ gặt hái thành quả của tình yêu là những đứa con khôi ngô, khoẻ mạnh.

Bà Lừng, vợ lẽ của ông ngồi bên cạnh bổ sung câu chuyện. Ngày chị gái lấy chồng, cô bé Lừng mới lên mười. Do hai gia đình ở cùng làng nên bà Tư vẫn về thăm nhà thường xuyên. Thế nhưng, Lừng cứ thắc mắc vì mãi chẳng thấy chị gái mang bầu. “Chị Tư là chị cả, vậy nên bố mẹ tôi mong có cháu bồng bế lắm. Nhà anh Canh cũng neo người. Bố mẹ mất sớm, nhà chỉ có hai anh em trai nên vợ chồng anh chị càng mong có con”, bà Lừng kể.

Lừng lớn dần và phần nào hiểu được nỗi buồn trong đôi mắt chị mỗi lần về thăm nhà. “Ngày ấy, đàn bà lấy chồng mà không con bị người ta hắt hủi, dè bỉu lắm”, bà Lừng buông tiếng thở dài. Dù rất thương chị nhưng chính Lừng cũng không thể ngờ rằng, việc hiếm muộn của chị cả lại thay đổi cuộc đời cô đến vậy.

Năm 1960, ông Canh xuất ngũ. Hai năm sau, bà Tư vẫn chưa có tin tức gì. Khi ấy, Lừng cũng bước vào tuổi đôi mươi và đã nhận lễ ăn hỏi của một chàng trai làng bên, chỉ đợi ngày để tổ chức hôn lễ. Một hôm, chị gái về thăm nhà, gọi Lừng vào buồng trong nói chuyện. Người chị gái khốn khổ ấy không dám nhìn đứa em ruột, ngập ngừng: “Có lẽ anh chị sẽ bỏ nhau. Để anh ấy đi lấy vợ khác mà sinh con. Nếu em thương chị hay là em về làm lẽ chồng chị, để chị vẫn có thể ở lại trong ngôi nhà ấy, có chị có em đỡ đần nhau…”. Quá bất ngờ, Lừng chẳng biết xử trí thế nào.

Những ngày sau đó, Lừng đã nghĩ lung lắm. Nếu Lừng không đồng ý, nghĩa là chị gái sẽ phải khăn gói về nhà bố mẹ đẻ, mang tiếng “gái độc không con” suốt đời. Lừng biết chị yêu chồng lắm, một ngày còn nên nghĩa, huống chi vợ chồng chị lấy nhau đã hơn chục năm rồi. Còn nếu làm theo lời chị, Lừng sẽ mang tiếng là phụ bạc, sẽ nhận được những lời bàn tán, dị nghị của dân làng. Những suy nghĩ ấy cứ giằng xé tâm can Lừng.

Cuối cùng, cái gật đầu của Lừng trong chiều hè năm ấy đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô, đánh dấu một chuyện chưa từng có trong làng khi hai chị em ruột lấy chung một chồng. Người làng Thanh Liễu đã chứng kiến đám cưới “vô tiền khoáng hậu” khi vợ cả đội mâm trầu cau dẫn lễ, hỏi chính em gái mình về làm lẽ cho chồng. Người tò mò thì đến xem thái độ của những người trong cuộc thế nào, người cảm thông thì đến chúc phúc cho đại gia đình họ đã khiến cho đám cưới dù giản đơn nhưng cũng rất tưng bừng, tiếng cười nói, tiếng pháo nổ râm ran cả một vùng quê nghèo.

Thế nhưng, ở đời mấy ai học được chữ ngờ. Tưởng như bao nhiêu dự định, sắp đặt của người vợ cả với ý nghĩ “lọt sàng xuống nia”, mai mối chính người em gái với mong muốn sẽ sinh cho chồng mình những đứa con khoẻ mạnh, sẽ là con chung của cả hai chị em, để chồng được nở mày nở mặt với dân làng và cũng để không khỏi mang tiếng hổ thẹn với gia đình chồng sẽ được báo đáp. Vậy nhưng, cưới nhau được năm năm, bà vợ lẽ vẫn “án binh bất động” khiến cả ba người như ngồi trên đống lửa. “Nếu không nghĩ sâu xa thì tôi đã sớm bỏ ông ấy để đi lấy người khác rồi. Nhưng nghĩ lại, biết đâu lấy người khác chắc gì tôi đã có con. Với lại, con cái là lộc trời cho, thôi thì trời bắt tội mình không con thì đành chịu”, bà Lừng bảo.

Sau nhiều lần bàn bạc, cuối cùng cả ba người quyết định xin con nuôi. Năm 1967, họ đón cô con gái mới nửa năm tuổi về chăm sóc. Năm sau, họ lại nhận nuôi thêm cậu con trai vừa tròn một tuổi. Không khí gia đình đã bớt ngột ngạt hơn với hai đứa con bụ bẫm, kháu khỉnh.

Lúc này, bà Tư cũng đã đứng tuổi, sức khoẻ giảm sút. Vậy nên, ngày ngày, bà ở nhà chăm sóc các con, còn việc đồng áng, làm hợp tác xã do ông Canh và bà Lừng đảm nhận. Cũng may, như thấu hiểu nỗi vất vả của cha, mẹ và “u” – cách mà các con gọi bà cả, bà hai, hai đứa con của ông bà lớn lên đều mạnh khoẻ.

Thấm thoắt, hai đứa con trưởng thành, được cha mẹ dựng vợ gả chồng, sinh cho ông bà cả thảy 4 đứa cháu nội ngoại. Năm 2001, bà Tư qua đời vì bệnh nặng. Cách đây ba năm, người con trai nuôi cũng mất vì tai nạn giao thông. Nỗi bất hạnh cứ chồng lên nỗi bất hạnh khiến cho ông Canh, bà Lừng cùng người con dâu càng thêm héo hắt.

Bây giờ, niềm an ủi lớn nhất của ông bà là các con, các cháu “chẳng phân biệt con nuôi, dâu, rể, mỗi khi nhà có công việc thì cùng xúm vào giúp đỡ nhau, đỡ đần bố mẹ. Thế là vui lắm rồi. Nhà tôi chỉ thiếu cơm, thiếu gạo chứ không thiếu tình cảm”, ông Canh chia sẻ, đôi mắt hấp háy niềm vui. Bà Lừng nhìn chồng trìu mến, gật đầu ra chiều ưng ý lắm.

Thật khó để tôi có thể hình dung “kiếp lấy chồng chung” khi bà cả, bà hai cùng sống trong một ngôi nhà. Hiểu được nỗi thắc mắc của tôi, bà Lừng cười mủm mỉm, kể lại: “Ngôi nhà tranh ba gian được ngăn ô. Bà cả nằm gian ngoài, tôi nằm gian trong. Dẫu vẫn gọi “chị” xưng “em” với chị gái nhưng lúc này thân phận của chúng tôi đã khác. Ngày ngày, cả ba người cùng ăn chung mâm. Cũng có lúc chị em chung đụng, lời qua tiếng lại nhưng sau đó lại quên ngay vì dẫu thế nào cũng là chị em ruột cơ mà”.

Theo Hải Bình
_____________________________________________________________________________

Những “sơ sẩy” khó hiểu của công an

Nhà cán bộ Tổng cục cảnh sát cũng bị mất trộm

Kẻ gian đột nhập nhà thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát, tại phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) trộm tài sản trị giá khoảng một tỷ đồng.

Theo Công an Hà Nội, tối 25/12 gia đình của ông Vũ Hùng Vương – thiếu tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát (Bộ công an) trình báo, lợi dụng lúc họ đi vắng, kẻ gian đã trèo tường rào lên lan can tầng 2, dùng xà cầy phá khóa cửa đột nhập vào nhà.
Số tài sản bị mất trộm khoảng 1 tỷ đồng gồm 550 triệu đồng, 9 cây vàng ta, 12 chỉ vàng tây cùng ngoại tệ.
Ngôi nhà của ông Vương có 3 tầng, 2 mặt tiền, nằm trong ngõ to, khá yên tĩnh thuộc phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy.
Điều đáng nói là đây không phải lần đầu kẻ gian đột nhập nhà cán bộ Tổng cảnh sát để trộm cắp. Hai năm trước, một nhóm thanh niên khi lang thang đến khu tập thể Cục cảnh sát hình sự (phường Yên Hòa, Cầu Giấy) đã trèo qua ban công đột nhập một căn nhà, lấy đi nhiều tiền, vàng, ngoại tệ và xe máy. Chủ mưu vụ án sau đó bị phạt 16 năm tù về tội trộm cắp tài sản.

Bị bắn trọng thương bằng súng hoa cải

Sáng 5/1, đoàn công tác của UBND huyện Tiên Lãng, Hải Phòng gồm hơn 100 cảnh sát, quân đội và bộ đội biên phòng… tổ chức cưỡng chế thu hồi hơn 50ha đầm nuôi thủy sản, trồng cây ăn quả tại vùng bãi bồi ven của gia đình Đào Văn Vươn (52 tuổi, xã Vinh Quang). Nhà chức trách xác định, ông Vươn đấu thầu khu vực này nhiều năm hiện đã hết hạn và không chịu đóng thuế trong thời gian dài.
Khi một tổ công tác tiếp cận ngôi nhà thì một quả mìn tự chế Vươn gài trong vườn phát nổ khiến 2 cảnh sát huyện Tiên Lãng bị hất văng, bất tỉnh.
Trước sự việc trên, thượng tá Phạm Văn Mải (Trưởng công an huyện Tiên Lãng) dẫn đầu tổ công tác khác tiếp cận lại ngôi nhà và kêu gọi Vươn tự nguyện giao nộp vũ khí, chấp hành lệnh cưỡng chế. Bất ngờ từ bên trong, ông Vươn cùng người nhà liên tiếp bắn súng đạn hoa cải khiến đại úy Vũ Anh Tuấn (33 tuổi, quyền đội trưởng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an huyện Tiên Lãng) bị nhiều vết thương vùng cổ và ngực; thượng tá Mải bị thương vùng lưng, chân; thượng sĩ Đỗ Xuân Trường (đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) bị vỡ nhãn cầu trái; trung sĩ Nguyễn Văn Phong (đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) cùng 2 cán bộ huyện đội Tiên Lãng bị nhiều vết thương ở vùng mặt.
Theo lệnh của Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca, hàng trăm cảnh sát phối hợp với các lực lượng được huy động đến giải quyết. Dù lực lượng chức năng thuyết phục, vận động, ông Vươn và một số người thân vẫn cố thủ trong nhà.
Đến 12h trưa, sau nhiều tiếng các lực lượng mới tiếp cận được ngôi nhà. Lúc này, ông Vươn cùng người thân đã kịp bỏ trốn.

Tướng công an không biết bơi?

Sớm 6/1, thiếu tướng Phan Văn Đông, Phó chánh thanh tra Bộ Công an và thượng tá Lê Văn Thắng, Phó chánh thanh tra Công an tỉnh An Giang, khi tắm biển tại khu du lịch Mũi Né, TP Phan Thiết đã bị sóng cuốn trôi.
Sau hơn 2 giờ tìm kiếm, thi thể của 2 cán bộ công an nói trên được lực lượng cứu hộ tìm thấy. Nhiều khả năng 2 nạn nhân đã gặp phải vùng nước xoáy.

Thiếu tướng Đông và thượng tá Thắng đang tham gia hội nghị công tác thanh tra ngành công an được tổ chức tại Bình Thuận trong hai ngày 5-6/1.

(tổng hợp)
____________________________________________________

Hồn người trong xác rắn?

Chuyện những con rắn độc xuất hiện liên tiếp trong nhà ông Thạnh ở Phú Yên làm nhiều người bán tín bán nghi, đem câu chuyện ra khắp nơi mà bình phẩm. Có người đoán rằng: “Vì chị vợ chết trẻ, còn vương vấn cuộc sống trần gian, thương nhớ chồng con nên đã hiện hồn về luẩn quẩn đâu đó chứ chưa thể đi về thế giới bên kia hẳn”

Chết vẫn vương vấn trần gian?

Chuyện kể rằng: Anh Trần Thạnh (SN 1959, ngụ thôn Phú Tân 2, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) và vợ là chị Đỗ Thị Số cưới nhau đã hàng chục năm nay, sinh được hai đứa con, thằng lớn tốt nghiệp Đại học rồi làm việc, lập gia đình ở Sài Gòn; đứa em gái đang học lớp 12. Gia đình anh sống bằng nghề nông. Cách đây một năm, vợ anh mắc chứng suy nhược thần kinh rồi mất ngủ kéo dài, anh đã đưa vợ đi khám bệnh khắp nơi rồi lấy thuốc về nhà uống. Tuy nhiên, bệnh của chị không giảm mà mỗi ngày càng nặng thêm. Hồi đầu năm, anh dự định khi sắp xếp công việc nhà nông xong thì anh sẽ đưa vợ vào Sài Gòn thăm khám điều trị.
Rạng sáng một ngày giữa tháng 9 vừa qua, như mọi ngày, anh lên rẫy bỏ cỏ cho bò ăn. Trước khi đi, chị Đỗ Thị Số vợ anh có nói: “Ba nó sao bữa nay đi sớm vậy?”, anh trả lời: “Tranh thủ đi đặng về sớm chiều nay tui đưa bà đi Sài Gòn khám bệnh, bây giờ bà ở nhà với con út”. Nhưng không ngờ, khi vừa đến rẫy thì có người gọi điện thoại bảo anh về gấp, nhà có chuyện rồi. Linh tính chẳng lành, anh vội chạy về nhà thì sự việc đã xong xuôi, vợ anh đã tự vẫn chết trong nhà. Anh Thạnh rất thương vợ và đám ma chay được ông lo chu tất, đàng hoàng.
Chuyện còn kể rằng, sau đó vài ngày, một hôm lúc ông đang nằm ngủ trong nhà giữa đêm khuya thì bỗng dưng có một con rắn hổ to xuất hiện nằm khoanh từ lúc nào ở trong quần ông.
Con rắn nằm trong quần người chồng nhưng không hề cắn mà chỉ cựa qua lại. Khi phát hiện, ông đốt nhang khấn vái thì con rắn này bò ra khỏi quần và loanh quanh trên sàn nhà ở lại với ông suốt đêm hôm đó rồi ra đi khi trời sáng. Liên tiếp những đêm hôm sau, ông Thạnh thấy những con rắn lạ khác nhau xuất hiện trong nhà mình, có khi nó ở nhà trên, có khi luẩn quẩn dưới bàn thờ rồi xuống nhà dưới.
Ghê sợ nhất là một hôm ông đang nằm trên chiếc chiếu trải dưới nền nhà, bỗng đâu nghe phía dưới chiếu có vật gì cộm cộm mà lại cựa quậy, ông Thạnh ngồi bật dậy giở chiếc chiếu lên thì thấy một con rắn hổ to màu đen đang nằm khoanh tròn. Đuổi kiểu gì nó cũng không đi, ông phải thắp nhang khấn vài lời thì con rắn mới nhẹ nhàng trườn đi. Cứ như vậy, vài ba đêm rắn lạ lại xuất hiện một lần, những con rắn có màu sắc khác nhau nhưng hình thù thì lại giống nhau. Phải đến khi làm xong tuần 49 ngày cho vợ, những con rắn mới không xuất hiện nữa.
Chuyện những con rắn độc xuất hiện liên tiếp trong nhà ông Thạnh làm nhiều người hàng xóm bán tín bán nghi, đem câu chuyện ra khắp nơi mà bình phẩm. Có người đoán rằng: “Vì chị vợ chết trẻ, còn vương vấn cuộc sống trần gian, thương nhớ chồng con nên đã hiện hồn về luẩn quẩn đâu đó chứ chưa thể đi về thế giới bên kia hẳn”; có người thì lại ác mồm ác miệng: “Do nó chết tức tưởi, còn nhiều chuyện ở đời chưa vừa ý nên ấm ức trở về coi thử chồng con đối xử với nó như thế nào”… Mỗi người một ý, song những người mê tín đều khẳng định rằng những con rắn đó chính là “hồn” của vợ anh hiện về.

Chuyện kể với nhà báo

Khi có phóng viên đến hỏi chuyện, anh Thạnh kể lại giọng buồn tủi: “Nếu không có con, tôi cũng sẵn sàng đi theo má nó chứ không thiết sống làm gì nữa khi chỉ còn lại một mình”. Một mình anh lo chu toàn đám tang cho vợ. Mấy ngày đầu, anh em bà con hàng xóm tối còn đến chơi chia buồn, sau đó cha con anh cũng quen dần. Từ ngày vợ mất, buổi tối hai cha con anh Thạnh không ngủ mỗi người một phòng như trước kia mà đem chiếu trải trước chiếc bàn thờ nằm, vì anh cho rằng: “Không thể bỏ má nó một mình, lên đây nằm cho vui, nhà còn có ai đâu”. Chuyện lạ bắt đầu xảy ra khoảng hai tuần sau ngày chị vợ mất. Một đêm, anh và con út đang nằm ngủ trước bàn thờ, bỗng vào lúc nửa đêm, anh thấy trên đùi lạnh lạnh, liền ngồi dậy giở chăn ra thì hết hồn thấy một con rắn hổ mang lớn cỡ cán dao, màu đen nằm trên đùi mình.
Anh gọi con ngồi dậy rồi hất rắn xuống chiếu, giũ cái chăn nhưng con rắn không bò đi mà cứ nằm lì trên chiếc chiếu. Hai cha con lấy cái que nhỏ lùa đi thì rắn ngóc cái đầu phù mang hiện rõ hai vệt màu hồng trên mang. “Nó cứ luẩn quẩn bò qua bò lại, sau đó bò vào xó nhà rồi chui vào một cái thùng giấy. Tôi mở cửa, bưng cái thùng giấy này ra bỏ ngoài sân rồi đóng cửa ngủ bình thường, sáng hôm sau ra xem, con rắn đó đã đi mất”, anh thuật lại.
Một tuần sau, chuyện lạ lặp lại khi khoảng 7 giờ tối, trong lúc nhà đang tụng kinh làm tuần 21 ngày thì cũng dưới chiếc chiếu trước bàn thờ, lại có một con rắn sọc dưa cũng lớn bằng con rắn bữa trước loanh quanh bò trong nhà. Chủ nhà thuật lại: “Khi bị phát hiện, con rắn này bò lại chân bàn thờ má nó rồi bò tiếp vào bàn thờ chính trong nhà, mọi người sợ quá bỏ xuống nhà dưới hết. Riêng tôi không sợ, khi tôi lục tìm trong bàn thờ thì không rõ nó bò đi chỗ nào tôi không biết”. Anh Thạnh nhấn mạnh: “Có sao tôi nói vậy, sự thật là như thế, còn chuyện 2 con rắn là rắn thật hay rắn do mẹ nó “hiện hồn” về thì tôi không biết.

Vợ hiện hồn hay sự ân hận muộn màng?

Theo nhận định của một số người, có thể đó là những con rắn ban đêm đi bắt chuột, do anh nằm dưới nền nhà, đắp mền có hơi ấm nên ngẫu nhiên nó bò vào tìm hơi ấm. Nhiều người khuyên anh ban đêm nên ngủ trên giường để tránh những điều không may tương tự có thể xảy ra. Anh thì một mực cho rằng: “Biết vậy nhưng tôi không thể ngủ trong phòng, bỏ má nó một mình, và chẳng lẽ đem cái giường để trước bàn thờ”. Tuy nhiên từ đó đến nay, buổi tối cha con anh vẫn ngủ chỗ này, nhưng chẳng thấy con rắn nào nữa.
Khi kể xong câu chuyện, anh Thạnh thấy lòng mình nhẹ hẳn vì có người muốn tìm hiểu và chính anh cũng có nguyện vọng muốn chia sẻ chuyện thực hư rõ ràng với mọi người. Qua đây, anh cũng muốn nhắn gửi đến mọi người đôi điều rất cần thiết nếu ai chẳng may gặp phải chứng bệnh suy nhược thần kinh như người vợ anh. “Ban đầu là bệnh suy nhược thần kinh, dần dần dẫn đến mất ngủ rồi trầm cảm, mất trí nhớ. Người bị bệnh này hay tủi thân, dễ xúc động và nghĩ quẩn, nếu mình không quan tâm chăm sóc cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng tự vẫn”, anh cho biết. Trường hợp vợ anh cũng vậy. Anh thấy mình như có lỗi với vợ vì suốt ngày mình lo công việc rẫy rừng, bò nghé nên không có thời gian quan tâm chăm sóc cho vợ nhiều. “Bao nhiêu thuốc mua về má nó bảo cũng uống hết rồi, không ngờ khi sự việc xảy ra tôi mới biết má nó giấu hết, phần đem ra hiệu thuốc tây bán lại. Phải như mình quan tâm hơn thì không đến nông nỗi này”, người chồng tội nghiệp thở dài.

(Theo Pháp luật & Thời đại)
______________________________________________

Vỡ tín dụng đen hàng loạt– điểm chung trong kinh doanh BĐS giữa Việt Nam và Trung Quốc

Việt Nam

Nhìn lại các vụ vỡ nợ vừa qua, thấy nhiều đại gia vỡ nợ có điểm chung là vay lãi suất khủng để đầu tư bất động sản.

Sau vụ vỡ nợ 150 tỷ đồng tại Hà Đông cách đây gần một tháng, tại cơ quan quan điều tra, bà Nguyễn Thị Dậu – 48 tuổi (số 5 phố Nguyễn Thái Học, phường Quang Trung, quận Hà Đông) – người gom tiền đã hé lộ thông tin liên quan đến nhiều đại gia BĐS.
Bà Dậu cho biết: “Tôi đi vay từ hơn 30 người dân số tiền 100 tỷ đồng, 10.000 USD và 11 cây vàng, với tổng giá trị là 150 tỷ. Nhưng toàn bộ số tiền đó cộng thêm tiền của gia đình tôi đều chuyển cho Nguyễn Đức Thắng (Quang Trung, Hà Đông) vay lại và anh ta đầu tư vào bất động sản. Thậm chí, tôi còn mượn sổ đỏ của mẹ để đi vay ngân hàng 1 tỷ đưa cho Thắng. Tôi cũng chính là nạn nhân trong vụ vỡ nợ này”.
Theo bà Dậu, Thắng vốn là một đại gia có tiếng trong giới BĐS bởi hàng loạt các biệt thự đại Khu đô thị Văn Khê, Văn Phú. Thắng trúng nhiều phi vụ ăn chênh lệnh tiền tỷ nên ai cũng nể. Cách đây 2 năm, khi thị trường BĐS lên cơn sốt, chỉ trong vòng một tháng, Thắng bán chênh 10 căn biệt thự, mỗi căn lãi 2 tỷ đồng, thừa sức trả lãi cao cho các chủ nợ. Vì tin tưởng vào tài buôn đất có nghề của Thắng thêm lời gợi mở về các dự án khu vực Hoài Đức nên bà Dậu tiếp tục gom tiền tiếp cho đại gia.
Để chứng minh, bà Dậu trình ra 10 tờ giấy viết tay, trong đó Thắng có ký vay tiền, lần vay thấp nhất cũng 10 tỷ, nhiều nhất tới 30 tỷ đồng.
“Mỗi lần vay Thắng đều dẫn tôi đi thăm các vị trí đất mà anh ta định đầu tư tại Hoài Đức, Đông Anh, Sóc Sơn… Đầu năm nay đất, nhà đều không bán được nên Thắng không đủ khả năng trả lãi cho tôi” – bà Dậu nói.
Khi PV đến gia đình Thắng (số 8 Trần Nhật Duật, Hà Đông, Hà Nội) để xác minh thông tin thì Thắng đã đi khỏi nhà nhiều ngày. Chị Thoa (vợ Thắng) cho biết: “Chồng tôi đầu tư bất động sản 5 năm nay và phất lên từ năm 2008. Tôi cũng biết chồng vay của bà Dậu tiền nhưng cụ thể thế nào tôi cũng không rõ, mỗi lần vay chồng tôi chỉ bảo để đầu tư đất đai”.
Bà Dậu cho biết thêm, ngoài gom số tiền cho Thắng, bà còn vay 31 tỷ từ đầu năm 2009, sau đó cho Nguyễn Văn T (giám đốc một Cty tư nhân tại Gia Lâm, Hà Nội) vay lại để anh này mua đất tại Ba Vì và một số vùng ven Hà Nội như: Bắc Ninh, Hưng Yên. Đến khoảng giữa năm, T không còn khả năng trả lãi cho bà Dậu và chủ nợ khi đất không bán được, giá giảm liên tục. Hiện, cả T và Thắng đều đã bỏ trốn, còn các chủ nợ chỉ biết đến nhà bà Dậu đập phá đòi tiền.
Còn nữ đại gia vừa phá sản Nguyễn Thị Cúc (32 tuổi tại Phú Xuyên) cũng từng nổi danh khi mạnh tay vay lãi ngày (từ 3.000 đến 7.000 đồng/triệu) để đầu tư hàng loạt căn biệt thự, đất nền, thổ cư quanh Hà Nội.
Bà Cúc thừa nhận đã vay nợ 230 tỷ đồng và khoảng 600 cây vàng để buôn bất động sản. Với số tiền vay này, trung bình một tháng Cúc phải trả lãi tới 10 tỷ đồng. Nay, Cúc tự khai khi trình diện cơ quan điều tra, cũng còn dăm mảnh đất, nhưng nếu tính giá cả thời điểm này không đủ để trả 1/10 số nợ.
Nguyễn Thị Minh Tâm (Bắc Ninh), thừa nhận đã vay nợ gần 130 tỷ đồng, cũng với lãi suất siêu khủng, để mua các biệt thự tại Bắc Ninh và ven Hà Nội, cả thảy gần 50 căn. Khi BĐS sôi động, tiền chênh tại mỗi căn biệt thự lên tới vài tỷ, người ta thấy Tâm giỏi giang buôn bán. Nhưng ai ngờ, nay thị trường bất động, Tâm thành con nợ khổng lồ. Còn một số căn biệt thự mà Tâm đầu tư, hiện đều bỏ hoang.
Trong các vụ vỡ nợ, người ta thấy rất ít chủ nợ đến trình báo với cơ quan chức năng. Bởi thực tế, chủ nợ vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm. Vì có chủ nợ cho con nợ vay siêu lãi tới 7.000 đồng/triệu/ngày. Nếu quy ra, nó vượt hơn 10 lần lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước (quá 140%/năm), nên họ có thể bị xử lý hình sự tội cho vay nặng lãi.
Nắm bắt được tâm lý này, nhiều con nợ gán nợ tài sản giá trên trời. Như Nguyễn Thị Cúc, mua chiếc Audi A8 hơn 5 tỷ đồng, dù đã sử dụng mấy tháng trời, nhưng vẫn có chủ nợ chấp nhận lấy xe trừ nợ bằng giá xe mới. Còn bà Dậu, tuyên bố giá chiếc LX (cũ) tới 400 triệu đồng, nếu ai muốn thu xe bắt nợ.
Dự báo của cơ quan chức năng, tới đây sẽ còn lộ ra nhiều vụ vỡ nợ tương tự. Trong khi nó chưa diễn ra, ở nhiều vùng quê, các chủ nợ và con nợ đang tự dàn xếp. Chuyện ở xã Q (Quốc Oai, Hà Nội), thời điểm đất đai các huyện phía Tây Hà Nội sốt sình sịch năm 2009-2010, do thông tin di chuyển trung thâm hành chính Quốc gia về Ba Vì và quy hoạch trục Thăng Long, một anh thợ sửa xe máy tên Đ., nhờ có chút vốn liếng và vay mượn mua mảnh đất 300 m2 của người cùng làng giá 700 triệu đồng.
Chỉ nửa tháng sau, có khách về trả gấp đôi 1,4 tỷ đồng. Sức hút từ lãi khổng lồ, anh bỏ nghề sửa xe, nhảy qua buôn đất. Để rộng vốn, Đ. thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng hơn chục tỷ đồng, đồng thời huy động vay lãi 5.000 đồng/triệu/ngày của người dân trong làng.
Nhiều người hám lợi, vay cả ngân hàng để về cho Đ. vay lại. Chẳng mấy chốc, số nợ của Đ. tới hơn 20 tỷ đồng. Ở một làng quê nghèo, quanh năm cày cấy, chốc lát Đ. nổi lên như một đại gia, mua xe Innova chạy chơi. Còn lại đầu tư cả chục mảnh đất (thổ cư và nông nghiệp).
Từ hơn nửa năm nay, không thấy ai về làng Q mua đất, Đ. bắt đầu đầu sốt vó, vì không kham nổi khoản trả lãi tháng hàng trăm triệu đồng. Nay nhiều chủ nợ thuê cả đầu gấu tới đòi, nhưng Đ. hết cách. Chiếc Innova buộc phải gán nợ. Còn những mảnh đất, Đ. cũng gán dần.
Dù thị trường trầm lắng, nhưng ở cái làng cách Hà Nội hơn 20 km, Đ. hét giá 30-40 triệu đồng/m2 (thực tế giá chỉ dưới 10 triệu/m2 cũng khó bán), nhưng nhiều chủ nợ vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, thà ăn quả đắng còn hơn mất cả chì lẫn chài. Nhưng bù đi bù lại, bán đất gán nợ đắt thế mà cũng không đủ trả hết nợ.
Cơn bão nhà nhà, người người đầu tư BĐS, nay hết thời, nhưng hậu quả mà nó để lại không biết bao giờ mới khắc phục được.

và Trung Quốc

Trong vòng một năm qua, thị trường tín dụng ngầm nhanh chóng bùng nổ tại thành phố Ôn Châu và nhiều nơi khác của Trung Quốc như Quảng Đông hay khu vực Nội Mông. Điều này cho thấy tác động của việc thắt chặt tín dụng đối với hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, nó cũng báo động tính rủi ro lớn của tình trạng lãi suất tăng nhanh trên thị trường cho vay phi chính thức đang phát triển và lan rộng ở Trung Quốc.
Ước tính thị trường tín dụng tư nhân của Trung Quốc chiếm khoảng 10% GDP. Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường này dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bùng phát nợ xấu tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Ôn Châu được coi là “thủ đô” của doanh nghiệp vừa và nhỏ với gần 400.000 doanh nghiệp. Thị trường tín dụng đen ngày càng bùng nổ tại các thành phố như Ôn Châu khi các cá nhân hay doanh nghiệp có nhiều tiền mặt tại đây muốn kiếm được nhiều lợi nhuận hơn bằng cách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay với lãi suất từ 40% một năm trở lên. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết có đến gần 90% cư dân tại thành phố Ôn Châu và gần 60% doanh nghiệp tại đây tham gia vào thị trường tín dụng tư nhân.
Khi tham gia vào thị trường này, tuy thu được lợi nhuận lớn nhưng người cho vay phải chịu mức rủi ro cao mà nhiều người nhận xét “giống như một canh bạc vậy”. Đối với chủ các doanh nghiệp nhỏ, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm đến nguồn tín dụng tư nhân để vay tiền bất chấp việc phải trả mức lãi suất cao ngất.
Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn ở Trung Quốc không thể tiếp cận khoản vay của các ngân hàng phải quay sang thị trường tín dụng tư nhân với lãi suất hàng năm lên tới 100%, cao gấp hơn 15 lần so với lãi suất cho vay chuẩn mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc áp dụng. Nguyên nhân là do các ngân hàng của Trung Quốc không được phép áp dụng mức lãi suất cao hơn đối với các khoản cho vay nhiều rủi ro nên chủ yếu chỉ cho các doanh nghiệp quốc doanh lớn vay, tránh né các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu nói chung của Trung Quốc đang suy giảm do tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp và tiền lương trả cho công nhân tăng cao, nhiều doanh nghiệp ở Ôn Châu đã rơi vào cảnh không thể trả nợ và dẫn tới tình trạng phá sản hàng loạt. Trong số 360.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ôn Châu, từ đầu năm đến nay có 30% ngừng hoạt động hoặc đóng cửa. Một số doanh nghiệp phá sản đã phải vay ngoài với lãi suất mỗi năm lên đến 120%. Ngoài ra, có đến gần 100 chủ doanh nghiệp đã tìm cách bỏ trốn và có tới 3 người tự sát vì không thể trả nổi các khoản nợ khổng lồ.
Nhằm xử lý tình hình đáng báo động này, chính quyền thành phố Ôn Châu đã áp mức giới hạn trần đối với lãi suất ngầm nhằm hạn chế rủi ro cho ngành công nghiệp ngân hàng tại thành phố này. Theo đó, các tổ chức tín dụng tư nhân sẽ chỉ có thể cho vay với lãi suất không cao quá 4 lần so với mức lãi suất chuẩn của cả nước.
Chính quyền thành phố này cũng yêu cầu các tổ chức này hỗ trợ về tài chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách áp mức lãi suất trần đối với các khoản cho vay cho công ty này. Theo đó, lãi suất không được quá 30% mức lãi suất chuẩn của cả nước. Hiện tại, lãi suất cho vay chuẩn của Trung Quốc đang ở mức 6,56%.
Tuy vậy, theo nhà phân tích Ren Xianfang, thuộc IHS Global Insight, “cuộc khủng hoảng tín dụng đen đã lan ra toàn quốc khi mà tín dụng tư nhân đang dần mở rộng ra khắp Trung Quốc”. Và nếu chính phủ Trung Quốc không tìm ra cách giải quyết thỏa đáng, hệ thống tài chính nước này sẽ bị đẩy vào tính trạng nguy hiểm.
Không thể trả nổi những khoản nợ với lãi suất khủng từ tín dụng đen, hơn 90 chủ doanh nghiệp tại thành phố Ôn Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) đã bỏ trốn, 3 người tự sát.

(tổng hợp)
_____________________________________________________________

Phạm tội loạn luân – thêm một bi kịch chiến tranh

Trong ký ức của mình, chàng thanh niên Đinh Văn Miên (SN 1953, ngụ huyện An Lão, tỉnh Bình Định) không rõ cha mẹ đẻ của mình là ai, chỉ được cha mẹ nuôi kể rằng tình cờ gặp cậu lang thang trong rừng khi chưa đầy 5 tuổi đầu. Tuổi thơ qua nhanh với những ngày tháng theo cha mẹ lên rừng, hơn 10 tuổi thì tham gia du kích. Năm 1975, khi đất nước thống nhất, Miên được cử đi học tại trường dạy nghề Tây Sơn.

Cuộc đời của chàng thanh niên đã đổi thay khi tình cờ gặp cô bạn cùng trường Đinh Thị Miễu (SN 1951, cùng ngụ Bình Định) trước cổng trường. Gặp lần đầu nhưng ấn tượng khó phai, chàng thanh niên không quên được cô gái có nụ cười tươi như đóa hoa pơ – lang trên rừng, dáng người tròn trịa chắc lẳn, giọng nói dịu dàng. Có lẽ duyên trời cũng đã định, cô gái cũng thầm yêu trộm nhớ chàng trai hiền hòa, lại còn có cái tài hát hay, tài hoa chơi giỏi các loại đàn pơ – rưng, pơ – ring…

Gặp lần thứ hai, biết chuyện cô gái cũng là trẻ mồ côi từ tấm bé, được cha mẹ nuôi đưa về nhà khi gặp cô sống vất vưởng sau một trận càn của Mĩ – Ngụy, hai người càng cảm thấy đồng cảm, thương nhau hơn. Bạn bè biết chuyện ai cũng vun vào, lại còn tấm tắc khen: “Ông Trời cho chúng mày lấy nhau nên mới tình cờ gặp nhau như thế, có hoàn cảnh giống nhau đến thế, có gương mặt hao hao nhau như thế”.

Khi cái bụng đã ưng, lòng đã thuận, theo phong tục tập quán của người H’rê cô sơn nữ Miễu “bắt” chàng Miên về làm chồng. Hai người về chung sống với nhau hạnh phúc tại nhà người cậu (thôn 6, xã An Trung), rồi sinh hạ người con gái đầu tiên.

Đến khi mang bầu đứa con thứ hai, cặp vợ chồng quyết định chuyển về lại mảnh đất ngày xưa cha mẹ người vợ để lại để tạo lập cuộc sống gia đình riêng. Ngày ngày chồng lên rừng đốn củi, săn bắn, vợ lên nương hoặc ở nhà trông con, nấu cơm chờ chồng, cuộc sống bình yên tưởng sẽ mãi mãi bao trùm lên mái nhà của cặp vợ chồng hạnh phúc.

Ngôi nhà của cha mẹ cô Miễu để lại ngày xưa vốn là vùng đã từng chịu nhiều trận bom, càn quét của Mỹ – Ngụy, người trong làng ly tán khắp bốn phương. Chiến tranh kết thúc, người làng lẻ tẻ trở về định cư lại trên mảnh đất quê cha đất tổ, người thì dù đã ở nơi khác nhưng vẫn cố gắng một lần về thăm lại quê hương. 12 năm sau ngày cưới nhau, một ngày đi trên đường làng, anh Miên bất ngờ thấy một người lạ mặt nhìn chằm chằm mình rồi lao đến chặn đường, khóe mắt rưng rưng: “Có phải cháu tôi đấy không?”.

Thì ra đó là một người bà con của Miên, sau hàng chục năm bỏ làng vào Nam sinh sống nay về quê, chỉ nhìn anh thoáng qua đã khẳng đinh: “Nó giống bố nó – anh trai tôi như lột”.

Trời đất đổ sụp xuống đầu khi đưa người chú về nhà, vừa chỉ vào vợ giới thiệu: “Vợ cháu đây”, người chú đã đứng như trời trồng: “Trời ơi, con Miễu”. Người run lẩy bẩy, ông chú mất hồn chỉ lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại: “Có tội với trời đất rồi các con ơi, vợ chồng chúng mày là chị em ruột đấy.

Hết hoảng hồn, đau đớn, căm giận rồi cảm giác bán tín bán nghi, người chồng quyết định đi lại các nơi để xác minh sự thật. Ông Miên kể lại: “Khi biết tin, không tin nổi vào tai mình, tui đã cất công lặn lội mấy ngày trời đi bộ sang làng cũ để hỏi bố mẹ nuôi, xác minh lý lịch và dò hỏi các bô lão trong làng về thân phận thật. Rồi tui lại sang nhà mẹ nuôi của vợ gặng hỏi từng chi tiết”.

Ráp nối các tình tiết, dữ kiện lại với nhau, mọi người có thể khẳng định 100% họ là chị em ruột. Đó là lý do khiến khuôn mặt họ giống nhau như đúc, chứ không phải “duyên trời định” như ngày mới gặp nhau nhầm tưởng.

Ông Miên kể lại: “Lúc ấy, tui tưởng như không thiết sống nữa, tui đã phạm một cái tội tày đình không thể nào tha thứ được. Nhưng nghĩ lại thương chị, cũng chính là thương vợ, và hơn hết thương hai đứa con. Mọi chuyện đã lỡ mất rồi.

Ở khắp nơi vang dậy tin đồn, những sự ghẻ lạnh, sự phê phán, chửi rủa, xa lánh khiến tui chán nản. Tui vừa chống chọi với nỗi đau khổ vì số phận oan nghiệt, vừa đối diện với lương tâm của mình, trước vong hồn cha mẹ đã khuất và trước miệng lưỡi của dân làng.

Có lúc nghĩ mình đã kiệt sức, suy nghĩ khiến đầu đau như búa bổ và muốn thiếp đi rồi không trở dậy nữa. Số phận trớ trêu, tui và bà ấy đã có hai đứa con, giờ có nói gì thì sự việc cũng đã như vậy. Tui đau đớn lắm, vì gặp phải nghịch cảnh của số phận như thế này.

Nhưng tui không thể bỏ mẹ con bà ấy được, không có tui họ sẽ không thể nào sống…” Nhắc đến chuyện cũ, đôi mắt ông rưng rưng ngấn lệ, khuôn mặt với những nếp nhăn nheo ép lại vào nhau hằn lên.

Không chỉ là nỗi đau với gia đình vợ chồng Miên – Miễu, sự kiện này còn là một thảm họa với buôn làng. Với người dân tộc H’rê thì loạn luân là tội “tày đình”, làng sợ rằng họ sống với nhau sẽ gây họa cho cả làng khiến mùa màng thất bát, dịch bệnh chết người và họ tin rằng phụ nữ sẽ sinh ra những đứa con mang hình dáng quái thai. Họ cho rằng vợ chồng Miên – Miễu sẽ mang đến những điều không may, xui rủi cho cả làng.

Những ngày ấy, dân làng sống trong nỗi nơm nớp lo sợ vạ lây. Dân làng quyết định mời một thầy cao tay nhất vùng về cúng heo, gà, làm lễ cúng to nhất trong lịch sử để xua đi “con ma” đang ám trong người hai chị em. Đến bây giờ già làng Đinh Văn Bê (73 tuổi) vẫn nhớ chuyện cũ: “Sự việc xảy ra đã khiến cho cả làng sợ hãi, sống trong nỗi nơm nớp lo sợ, bà con phản ứng gay gắt, phản đối không cho hai chị em ở chung.

Vì phong tục tập quán của bà con người H’rê ta không cho phép làm như vậy, hành động loạn luân là trọng tội. Chị em ruột cùng huyết thống không được lấy nhau, như thế là giày xéo lên tập tục của làng, sẽ mang họa cho làng đồng thời họ sẽ sinh ra những đứa con không nguyên vẹn”.

Thuyết phục không được, chửi bới không xong, có nguyền rủa thì vợ chồng ông Miên, bà Miễu vẫn ở với nhau. “Trời không chịu đất thì đất chịu trời”, sau nhiều đêm họp bàn nát nước bên đống lửa, nhiều ngày bỏ nương bỏ rẫy tìm cách tách cặp vợ chồng loạn luân ra mà không được, làng đi đến một quyết định lịch sử: Cả làng rủ nhau di chuyển làng đến nơi khác sinh sống.

Dân trong làng tập trung khiêng nhà sàn xuống vùng phía dưới các xa ngội nhà của cặp vợ chồng phạm tội “loạn luân” nhiều cây số để tránh điềm không may. Ngôi làng trở thành “làng chết” chỉ còn trơ trọi lại ngội nhà của cặp vợ chồng – chị em.

Dân làng chưa buông tha. Thấy cặp vợ chồng biết việc mình mắc tội “loạn luân” nhưng vẫn sống chung với nhau mặc cho sự phản ứng của dân làng, cả làng không ai là không tức tối: “Truyền thống của người H’rê ta có cả ngàn năm nay, vậy mà chúng nó không chịu tuân theo hay sao, chúng nó coi thường cả làng hay sao?”.

Sự việc ngày càng căng thẳng khi người dân kéo nhau tới cơ quan chức năng, đòi chính quyền phải giải quyết không cho hai chị em sống chung với nhau nữa. Những cán bộ có thẩm quyền choáng váng, không tin nổi vào tai mình và ngay lập tức mở những “cuộc vận động”.

“Già làng đến nói vẫn không nghe, những người bà con thân quen đến khuyên nhủ vẫn không được, cán bộ đến cấm đoán vẫn trơ trơ, thôi thì đã dùng tình hết lẽ mà vẫn không được thì phải dùng lý, dùng luật để xử thôi”, một bô lão trong làng nhớ lại.

Năm 1988, phiên tòa hình sự lưu động xử vụ án loạn luân được mở ra tại xã, toàn bộ dân làng từ đứa bé ẵm ngửa đến các cụ già lụ khụ đều đến theo dõi, chưa kể hàng trăm người dân đồng bào dân tộc các vùng lân cận tò mò với vụ án “kỳ lạ đến cả đời người chưa chắc gặp 1 lần”.

Chủ tọa phiên tòa phân tích: “Luật đã quy đinh “Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra thì không được lấy nhau: cha mẹ là đời thứ nhất, anh chị em cùng cha mẹ cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai, anh chị em con chú con bác, con cô con cậu, con dì là đời thứ ba”. Vợ chông ông Miên, bà Miễu đã vi phạm luật pháp của Nhà nước.

Mặc dù là chị em ruột nhưng ông Miên, bà Miễu đã chung sống với nhau và sinh ra các thế hệ con cái, đồng thời khi phát hiện sự việc vợ chồng không chịu cách ly, từ bỏ mà vẫn tiếp diễn mối quan hệ này. Theo luật hình sự thì đó là tội loạn luân và “Người nào giao cấu với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”.

Thế nhưng như “nước đổ đầu vịt”, đứng trước phiên tòa, người em trai vẫn cố “cãi sống cãi chết” : “Dù cán bộ có bắt tao ở tù thì cái bụng tao vẫn thương nó thôi! Lỡ có hai đứa con rồi, dù chết tao cũng không bỏ nó, không sống xa nó”.

Trong phiên tòa hôm ấy, HĐXX đã khuyên giải cho đôi vợ chồng hiểu về phong tục, đạo đức, để họ có thể hiểu rằng luật pháp Việt Nam không cho phép anh chị em ruột cùng huyết thống trước đời thứ bốn lấy nhau. Trước những lời khuyên giải ấy, bị cáo vẫn một mực nguây nguẩy lắc đầu: “Dù có chết tao cũng không bỏ”.

Người vợ trong phiên tòa cũng ngất lên ngất xuống khi nhất quyết không chịu từ bỏ người chồng, người em trai của mình, đòi níu lấy người chồng – người em đứng trước vành móng ngựa. “Tui không cho ông ấy cách ly. Chúng tôi không cố ý vì cha mẹ mất sớm, chúng tôi không nhận ra nhau nên mới xảy ra chuyện này.

Nếu còn một bố hoặc mẹ thì không như vậy đâu. Bây giờ chúng tôi đã có con nữa, không thể bỏ được! Có chết cũng không được”, bà Miễu ngậm ngùi kể lại.

Kết thúc phiên tòa năm ấy, bị cáo Miên nhân mức án hai năm tù giam. Ông Miên tâm sự: “Thật sự lúc đầu tui cũng muốn bỏ bà ấy lắm vì nhục nhã và đau khổ quá, đời chưa bao giờ nghĩ mình sẽ rơi vào hoàn cảnh éo le đau đớn như vậy. Nhưng bây giờ tui bỏ chị thì chị không thể lấy ai khác, một mình hai đứa con bà ấy không thể nuôi nổi, đó là con tui mà…

Tui thương chị, vì đó là chị và là vợ tui, đã lỡ lầm rồi thì thôi. Bây giờ chị tui không thể nào lấy bất cứ một ai khác vì đã phạm tội tày trời này rồi. Bà ấy chỉ có đường ở vậy mà thôi. Dù tui có lấy vợ khác cũng không thể nào hạnh phúc được, mỗi lần có chuyện gì vợ mới sẽ đem chuyện đó ra nói thì nhục nhã lắm. Như thế thì tui và chị sẽ bị xúc phạm, mất hết tình cảm đã có. Thôi thì…”. Nói rồi ông bỏ lửng giữa câu, quay mặt đi chỗ khác, nhìn về phía dòng sông nước chảy xiết như lòng người…

(Theo Pháp luật và thời đại)
_______________________________________________________________________

Ngồi nhớ… chuột

Trong ký ức tuổi thơ nghèo khổ và đói dài của tôi, chuột chiếm một vị trí khá quan trọng. Giờ đây khi các con tôi nhìn thấy chuột chúng liền co rúm người lại, kêu rú lên hoặc chạy bán sống bán chết.

Chúng chỉ được học rằng, chuột là con vật phá hoại và reo rắc bệnh tật một cách đáng kinh tởm và đáng sợ mà đâu có biết, chuột từng đi cả vào giấc mơ của những người như bố chúng. Bởi vì hồi tôi bằng tuổi chúng, thì phải may mắn lắm mới nhìn thấy chuột.

Không phải hồi đó ít chuột hơn bây giờ, mà là vì con nào thò mặt ra lập tức bị dồn đuổi đến cùng đường. Rất ít con chạy thoát. Bởi vì hồi đó chúng tôi nhìn con chuột bằng cặp mắt của những kẻ đói khát trước một một món ăn béo bổ. Những con chuột đồng béo núng nính, lông óng mượt luôn luôn là một thứ qùa tặng của trời cho những đứa trẻ thiếu đạm như chúng tôi.

Thích nhất và chúng tôi cũng mong ngóng nhất là vào mỗi vụ gặt tháng mười. Quê tôi, chỉ vụ tháng mười khô ráo người ta mới cấy lúa nếp, đương nhiên là lúa nếp cái hoa vàng kén đất hơn mẹ chồng thời ấy kén dâu. Loại lúa ấy làm thơm cả đất, giờ đây tôi đi tìm khắp không thấy. Bọn chuột thường sành ăn, chén đẫy lúa nếp vào khiến thịt chúng chả khác nào được ướp hương. Trời se se lạnh.

Các chân ruộng gặt đều khô, cộng với hương vị mùa màng khiến tâm hồn bọn trẻ chúng tôi rất hưng phấn. Nhưng hưng phấn hơn cả là những cuộc đi săn chuột, loại chuột ăn lúa nếp vừa nói. Khi cánh đồng lúa thu hẹp dần, lũ chuột buộc phải tìm cách ẩn náu trong hang.

Hang chuột phát hiện không khó. Chúng đầy rẫy trên khắp cánh đồng. Cái khó nhất là đoán xem trong hang có chuột hay không, chuột to hay bé. Khi quyết định tấn công một hang chuột nào đó, chúng tôi có đủ các cách khác nhau. Thông dụng nhất là dùng thuổng đào. Nếu gặp đất rắn, việc đào khó khăn thì có thể dùng ngay rạ trên đồng đốt lên rồi quạt khói hun chuột. Còn có cách nữa là thay nhau múc nước đổ vào tổ hang.

Chuột không chịu được khói và nước sẽ phải theo ngách thoát hiểm ra ngoài và trước sau cũng bị chúng tôi chịt cổ. Nhưng hun khói và đổ nước chỉ hữu hiệu với những con chuột chưa từng trải, ít kinh nghiệm sống, sức chịu đựng kém. Còn với những con đã lão luyện trường đời, đã từng ăn đủ lộc, đủ đòn của thiên hạ thì hai cách trên nhiều khi chỉ được “lông chuột”.

Khi đào hang, những con chuột này hình như cũng đã lường tới những tình huống bị tấn công bằng khói và nước. Chỉ cần trong hang có một khe nhỏ, bí mật thông lên trên lấy không khí, vừa cho con chuột đút mũi vào đấy, thì chúng tôi cứ tha hồ mà hun khói hay đổ nước ngày này sang ngày khác!

Những con chuột đồng béo núng nính săn được nhanh chóng bị vùi vào tro nóng để việc làm lông trở nên vô cùng dễ dàng. Sau đó chúng được thui như người ta vẫn thui chó. Da con chuột, từ mầu trắng chuyển sang vàng như cháy non, căng lên, ngấm theo ra một chút mỡ khiến toàn thân con chuột bóng nhoáng. Và thơm, lẫn mùi khen khét đến điếc cả mũi.

Mùi thơm của mỡ chuột đồng, quyện với mùi lông chuột cháy có lẽ là thứ mùi quyến rũ nhất. Nếu bạn chưa từng được một lần ngồi thui chuột, có nghĩa là cuộc đời bạn còn thiếu thốn đấy! Công việc tiếp theo là mổ bỏ nội tạng chuột. Chỉ với một mảnh tre, việc này dễ hơn mổ cá rất nhiều, nhất là đối với lũ trẻ lanh lợi chúng tôi. Và hoàn toàn mổ khô, tức là không được rửa qua nước.

Con chuột sau đó bị banh ra để rắc lên vài hạt muối và ép vào đó mấy lá ổi đã bị bóp nát, thứ lá ổi bánh tẻ hái từ những cây ổi găng cho quả có mùi thơm kỳ dị. Nhất thiết phải là lá ổi, không có lá ổi thì không thành. Lá ổi đi với chuột nướng còn hợp hơn lá mơ đi với thịt chó nhiều.

Và tất nhiên là thịt chó lá mơ không thể nào sánh được với thịt chuột nướng lá ổi của chúng tôi hồi bé. Còn lâu mới sánh được! Mỡ chuột nhỏ xuống than đốt từ gốc cây lúa nếp, kêu xèo xèo cùng với nước miếng tứa ra khắp chân răng. Những cái bụng học trò chả mấy khi được no cơm, xuân thu nhị kỳ mới nom thấy miếng thịt, đồng loạt réo lên.

Chỉ một lát sau mặt đứa nào đứa ấy bóng nhẫy, cười nói hể hả trong khi tâm hồn trở nên phơi phới, vừa hát váng vừa độ lượng rong trâu về, bỏ lại những đống lửa nướng chuột cháy bập bùng trên khắp cánh đồng chỉ còn chân rạ và một thứ mùi thơm được gió đưa đi làm ấm cả không gian.

Và thỉnh thoảng vẫn những ngọn lửa ấy, lại bập bùng trong ký ức tôi, đưa tôi trở lại cái thời vừa đáng nhớ, vừa đáng sợ được chúng tôi gọi vui là Thời ăn thịt chuột.

Hà Nội đầu đông
Tản văn của Tạ Duy Anh
___________________________________________________________________