Tag Archives: đất lề quê thói

Mộng du giữa những giếng làng

Rất nhiều cái giếng làng đang từ từ chìm vào lòng đất và có thể vĩnh viễn không bao giờ còn hiện ra nữa. Nhưng có không ít làng đã nhận ra một điều gì đó thật hệ trọng với sự hiện diện của những cái giếng cho dù không rành mạch.

Tôi thường trở về đứng trước cái giếng đình trong những đêm trăng. Những lúc ấy, ký ức cùng những câu chuyện đầy tính huyền ảo quanh đời sống của những cái giếng bỗng dâng lên như ánh trăng đang dâng lên đầy tràn cái giếng. Và trên mặt giếng, những bông sen từ từ mở ra và cùng cái giếng trôi trong không trung như một giấc mộng. Hình ảnh tôi đang nói tới bây giờ là một giấc mộng. Nhưng chỉ hơn bốn mươi năm về trước thôi là một hiện thực.

Làng tôi có ba cái giếng: giếng đầu làng, giếng giữa làng và giếng cuối làng. Giếng đầu làng và cuối làng hình tròn còn cái giếng giữa làng hình bán nguyệt. Cái giếng đầu làng gọi là giếng chùa vì nó ở trước cửa chùa. Giếng giữa làng gọi là giếng đình vì ở trước cửa đình và được coi như gương trời. Còn cái giếng cuối làng gọi là giếng đồng có lẽ vì nó nằm trong một thửa ruộng bên cạnh con đường chạy ra nghĩa địa.

Cái giếng này khác giếng chùa và giếng đình vì thành giếng đắp bằng đất chứ không xây gạch. Những người ở thế hệ tôi chắc không ai quên câu chuyện đầy huyền bí về cái giếng đồng. Cứ vào một trong những ngày đầu tháng, nước giếng lại đổi màu đỏ ối. Người làng tôi thường kể lại cho con cháu họ nghe một sự tích đau buồn về việc nước giếng đổi màu. Chuyện kể rằng: có một trinh nữ bị cưỡng bức đã đâm đầu xuống giếng tự vẫn. Hàng tháng, trong một vài ngày nước giếng tự chuyển sang màu đỏ. Từ đó, có lúc người làng tôi gọi giếng đồng là giếng trinh nữ.

Khi lên mười, tôi đã từng chứng kiến ngày nước giếng đồng đổi màu. Đó là một buổi trưa mùa hạ, lũ trẻ chúng tôi đi bắt cua, khát nước quá và mò đến giếng đồng để uống nước. Khi đến bên bờ giếng, lũ trẻ kinh hãi thấy nước giếng đỏ như máu. Một đứa trẻ nói chúng tôi không được uống nước giếng đầu tháng. Nếu ai uống nước giếng những ngày đổi màu sẽ mắc bệnh hủi mà chết.

Sau này, một tiến sỹ khoa học là người làng tôi giải thích hiện tượng nước đổi màu là do sự thay đổi thời tiết tác động đến một số chất nào đó có trong nguồn nước ở giếng đồng. Nhưng tôi vẫn không muốn lời giải thích ấy cho dù đó có thể là sự thật. Tôi bị ám ảnh mãi mãi bởi câu chuyện về trinh nữ kia. Câu chuyện ấy mang cho ta một đời sống khác và nó làm nên những kỳ ảo và huyền bí của đời sống những làng quê hàng ngàn năm nay. Bây giờ chiếc giếng vẫn còn nhưng nó không còn đổi màu nữa vì lúc nào nước giếng cũng đỏ quạch và nhiều váng. Nguyên nhân là do bờ giếng bị xói lở. Vì thế nước ruộng tràn vào đầy giếng. Môi trường của những hồ nước, những con sông đã và đang bị phá hoại giống như sông Thị Vải. Con sông Đáy chảy qua làng tôi trước kia mênh mông, kỳ vĩ mà bây giờ trôi lờ đờ như một lạch ước nhỏ và đầy rác thải.

Có những năm, người làng tôi thấy cá chết trôi kín một khúc sông dài vì nhiễm độc. Những vẻ đẹp huyền ảo và kỳ vĩ của những dòng sông, những hồ nước, những cái giếng… đang rời bỏ chúng ta ra đi. Chúng ta đang đánh mất hay nói đúng hơn chúng ta đang giết chết những vẻ đẹp kỳ lạ ấy mà quá nhiều người không hề nhận ra.

Cách làng tôi hai cánh đồng là làng Vĩnh. Ở đó có một câu chuyện rất buồn về cái giếng làng. Suốt một thời gian dài có thể đến cả vài trăm năm, hầu hết những người làng Vĩnh đều mắc bệnh toét mắt. Bà nội tôi bảo rằng những người làng Vĩnh bị trừng phạt bởi lòng hẹp hòi của họ.

Một ngày, có một người đàn ông lạ rách rưới, đói khát và bị bệnh đau mắt xuất hiện ở làng Vĩnh. Ông ta đi từng nhà xin ăn. Nhưng người làng Vĩnh đã xua đuổi ông bởi có lẽ những năm tháng đó họ cũng sống trong đói khát. Cuối cùng, ông nói với họ rằng nếu họ không cho ông ăn thì xin cho ông xuống giếng để uống nước vì ông khát quá. Người làng Vĩnh đã đuổi ông ra khỏi làng và không cho ông uống nước. Ông già ngửa mặt lên trời và nguyền : ” Ta nguyền cho các ngươi sẽ không bao giờ mở được hết mắt mình”. Nguyền xong, ông già cạy dử mắt ném xuống giếng làng và bỏ đi. Chỉ trong nháy mắt, không ai biết ông đã đi về hướng nào.

Cũng từ năm đó, người làng Vĩnh bị bệnh toét mắt. Mắt họ lúc nào cũng như dính chặt bởi dử mắt. Bởi cả làng Vĩnh chỉ có một cái giếng, vì vậy nguồn nước cho sinh hoạt là nước từ cái giếng giữa làng. Có lẽ do nguồn nước ô nhiễm mà những ai rửa mặt bằng nước giếng đều có thể bị bệnh toét mắt.

Nhưng rồi một ngày có một người khách xa đến chơi bạn nghe được câu chuyện của gia chủ về bệnh toét mắt của người làng bèn mách cách “giải lời nguyền” chữa bệnh. Theo hướng dẫn của vị khách đó, người làng Vĩnh nạo vét giếng, bỏ vôi bột xuống đáy giếng, dọn dẹp sạch sẽ quanh bờ giếng và lập đàn tế lễ dâng cơm trắng, muối và nước. Sau đó, kỳ lạ thay, người làng Vĩnh hết bệnh toét mắt.

Bên mỗi cái giếng là những câu chuyện kỳ ảo. Tuổi thơ tôi đã ngày ngày uống nước từ những cái giếng làng và uống vào tâm hồn mình những câu chuyện. Trước kia, làng nào cũng có giếng. Bởi giếng là nguồn nước sinh hoạt duy nhất cho cả làng. Hơn nữa, mỗi cái giếng làng đều liên quan đến phong thủy của làng. Có một thời người làng tôi không ai được phép bước chân xuống giếng đình cho dù ở đó có chiếc cầu đá nhiều bậc lên xuống. Vì giếng đình được xây không phải để lấy nước mà để trấn phong thủy như một chiếc gương trời.
Giếng đình là cái giếng để thờ. Người làng tôi thường thả sen trong chiếc giếng bán nguyệt ấy. Mẹ tôi kể những người làng có tội chửa hoang, tội ăn cắp, tội bất hiếu không được phép soi mặt xuống nước giếng đình.. Nước giếng đình chỉ dùng cho những việc trọng đại như cọ rửa đồ thờ trong đình ngày hội làng, dùng nước đồ xôi cúng Thành Hoàng, tắm rửa cho trẻ con khi chúng đầy tháng tuổi hoặc các cô trinh nữ một ngày trước khi về nhà chồng thì múc nước giếng đình gội tóc… Nhưng nếu ai muốn lấy nước giếng đình thì phải dùng gàu kéo nước lên mà chỉ được lấy nước giếng đình vào giữa đêm.

Còn giếng chùa và giếng đồng thì để dùng lấy nước sinh hoạt hàng ngày. Cứ mỗi khi tết đến, có một công việc mà tôi sợ đến co rúm người lại. Đó là việc ghánh nước giếng để ăn tết. Cuối năm, các bể chứa nước mưa trong các gia đình đều cạn. Thế là các gia đình phải ghánh nước giếng về ăn tết. Bể nhà tôi chứa khoảng 100 ghánh nước. Mẹ tôi phân công tôi phải ghánh 50 mươi ghánh. Tôi đã phải so vai, rụt cô ghánh suốt một ngày mới đủ. Đêm về, hai vai tôi đau rát và bắp chân mỏi nhức. Thi thoảng một cô thôn nữ thấy tôi ghánh nước tội nghiệp quá bèn ghánh giúp. Những lúc như thế, tôi cảm thấy như được Tiên giáng trần giúp và sẵn sàng lấy cô thôn nữ đó làm vợ nếu cô ấy ghánh cho tôi 50 ghánh nước. Bây giờ thì không ai còn ghánh nước giếng nữa. Tất cả giếng trong làng đều bị ô nhiễm và chẳng còn trong ngăn ngắt như thuở xưa.
Trước kia, giếng làng nào cũng được thả bèo tổ ong hoặc bèo tai chuột để làm cho trong nước. Khi rẽ những đám bèo tổ ong, bèo tai chuột ra, người ta thấy nước trong ngăn ngắt như nhìn thấu đáy. Hồi anh tôi còn học cấp II trường làng. Ngôi trường này được xây dựng trên nền của ngôi chùa đã bị phá đi để xây trường học. Giờ ra chơi, học sinh khát nước là chạy ra giếng uống nước.

Một lần cúi xuống uống nước, anh tôi nhìn thấy một vệt sáng lóng lánh hắt lên từ đáy giếng. Anh tôi đã bí mật lặn xuống đáy giếng và vớt được một chiếc dao nhíp sáu lưỡi. Đó là chiếc dao của một lính pháp trong một lần đi càn qua làng tôi xuống giếng rửa tay đã đánh rơi. Bố tôi đã tặng chiếc dao nhíp đó cho ông Bảy Bình, một người bạn cùng làng trước khi ông ấy lên đường vào chiến trường. Ông Bảy Bình đã hoạt động bí mật ở Đồng Nai 14 năm liền cho tới 30 tháng 4 năm 1975. Sau đó, ông làm Phó Giám đốc Công an Đồng Nai dưới thời ông Mười Vân làm Giám đốc. Sau khi ông Mười Vân bị kết án tử hình vì đã nhận vàng của những người tổ chức vượt biên trái phép, ông Bảy Bình nghỉ hưu về quê và mất sau đó ít năm.

Mươi năm trước, làng tôi quyết định trùng tu lại những cái giếng. Người làng tôi trùng tu lại những cái giếng không phải để lấy nước dùng cho các sinh hoạt. Họ trùng tu lại những cái giếng để dựng lại một trong những vẻ đẹp và sự linh thiêng đã làm lên hồn cốt làng quê họ.

Bà Bê, một người làng tôi đang định cư tại Mỹ nghe vậy đã kêu con cháu gửi tiền về giúp làng trùng tu giếng. Bà Bê rời làng đi Nam từ năm 14 tuổi. Trước năm 1980, bà sống ở quận Gò Vấp. Sau năm 1975 bà cùng các con sang Mỹ định cư. Ngày về thăm làng cách đây mấy năm, bà đã đứng trước giếng chùa khóc mãi. Cái giếng đã chứa đựng biết bao kỷ niệm về cố hương của bà.

Từ cái giếng kia, không chỉ bà – một kẻ tha phương – mà ngay chính tôi, kẻ vẫn sống ở làng quê, lúc nào đứng trước những chiếc giếng lại nghe thấy những cười khóc của những người thân và hình ảnh của đời sống những năm tháng xưa cũ trở về đầy đủ. Hoặc chỉ được mơ thấy hình ảnh một con tôm càng xanh từ chân chiếc cầu đá của cái giếng búng nước bơi trong một buổi trưa ngập nắng và gió của mùa hạ.

Nguyễn Quang Thiều (Tuần Việt Nam)
________________________________________________________